Dịch giả Đào Minh Hiệp
Irina Polianxkaia (1952 - 2004) là nữ văn sĩ người Nga, sinh tại thành phố Kaxli thuộc tỉnh Seliabinxk. Polianxkaia tốt nghiệp trường Sân khấu và trường Viết văn Gorky. Là tác giả của nhiều tiểu thuyết và tập truyện ngắn, trong đó có tiểu thuyết Đi qua bóng tối - Giải thưởng Tiểu thuyết hay nhất năm 1997 của tạp chí Thế giới mới, truyện ngắn Bàn là và kem - Giải thưởng Truyện ngắn hay nhất năm 2003 mang tên Iuri Kazakov do các báo và tạp chí văn học Nga bình chọn.
Khi cha mẹ bắt đầu to tiếng thì bà nội liền đưa Rita về phòng và đọc cho nó nghe câu chuyện cổ tích Kvacheronka. Tôi đứng ở hành lang, thính giác như cái lưỡi rắn bị chia đôi. “Chẳng lẽ tôi không nói trước với cô rồi sao?”, cha hét lên. “Ông im đi và đừng có nhúng mũi vào chuyện của người khác”, mẹ cũng gào lên. “... bóng ma từ từ tiến đến đầu giường...”, còn bà thì đang đọc bằng một giọng run run. Em gái tôi nghe rõ những tiếng la hét từ phòng bên, vẻ mặt đờ đẫn, bắt đầu thiu thiu ngủ, còn bà vẫn tiếp tục đọc bằng một giọng yếu ớt, giả tạo. Sau vách ngăn, mẹ ném cái ly trà xuống đất và dòng dung nham nóng bỏng chảy qua khe cửa, tràn vào phòng chúng tôi. Rita nhấc chân lên. Trước kia, khi tôi bằng tuổi Rita bây giờ, mỗi khi cha mẹ bắt đầu cãi nhau, bà phản ứng bằng cách nhét bông vào lỗ tai. Tôi nhìn bà trong sự chờ đợi vô ích và đầy ác cảm. Tôi nghĩ, bà sẽ can thiệp và sẽ nói một câu gì đó thật xác đáng theo kiểu người lớn, nhưng sau đó tôi hiểu ra rằng bà không có sẵn một câu như thế, bà chỉ làm ra vẻ mình cũng có quyền hành, còn thực tế bà cũng bất lực như tôi và Rita… Thời gian gần đây, bà quên luôn cả chuyện bông băng vì bà có mối quan tâm khác quan trọng hơn, đó là không để cho Rita ngủ thiếp đi. Còn Rita, giữa những tiếng la hét ầm ĩ, vẫn thiếp đi như thể có vị thần ngủ Morphei đang thì thầm bên tai nó, át cả những tiếng la hét sau vách ngăn.
Có thể trước kia Rita cũng hay thiếp đi trong bản nhạc đệm - những cuộc cãi vã của cha mẹ, nhưng mọi người chỉ phát hiện ra điều đó sau vụ việc có liên quan đến chiếc bàn là nhỏ mà bố đã mua ở Moskva về tặng nó, vậy mà nó, để làm oai với lũ bạn trong khu phố, đã đem tặng lại cho con bé Galinka. Ngoài tôi ra, không ai biết được Galinka có ý nghĩa như thế nào đối với Rita, còn cha mẹ tôi, chắc gì đã biết về sự tồn tại của con bé Galinka ấy. Trong cái thành phố nhỏ, nơi gia đình chúng tôi chuyển đến, giữa những kẻ tiểu nhân thì Galinka là một cô bé vui tính, tháo vát, chạy nhanh nhất, nhảy cao nhất và nói chung là mọi thứ đều tài giỏi, hơn hẳn những đứa khác. Tôi cho rằng, không ai có uy quyền đối với Rita bằng Galinka. Sau khi chuyển đến đây, chúng tôi cảm thấy cô đơn trong một thời gian khá dài, nhưng Rita đã định hướng nhanh hơn tôi, nó tỏ rõ ý chí và tính kiên trì trong việc thích nghi với môi trường mới và khuất phục những người bạn mới, cứ như thể nó muốn xây dựng cho mình ở khu phố này một gia đình bè bạn khác, xây cho mình một cái tổ mới, dù là dưới cây nấm hay trên bãi cát, bởi lẽ trong nhà chúng tôi luôn xảy ra những trận cuồng phong cãi vã, cuốn bay đi chút hơi ấm gia đình còn lại, chẳng còn niềm vui sống nào để gặt hái.
Chẳng bao lâu sau, những người bạn mới trong khu phố bắt đầu đến rủ rê Rita. Nó bước ra ban công như nữ hoàng đứng trước thần dân của mình, kiêu hãnh ý thức được rằng thiếu nó thì không có một trò chơi nào thành công. Không phải lúc nào những câu năn nỉ lê thê và nhẫn nhục xin đi chơi của nó cũng được cha chấp thuận vì cha không ưa những trò chơi vô bổ. Khi đó, Rita bước ra thềm với vẻ mặt thản nhiên cứ như mình đang có công việc bận lắm, hệt như Galinka đang bận dạy cho con mèo của mình biết bắt tay vậy. Còn bây giờ, Rita bước ra thềm, vươn vai, đưa tay dụi mắt vẻ uể oải mặc dù nó đang rất sung sướng, dẫu không được đón tiếp long trọng bằng bánh mỳ và muối nhưng bánh mỳ thì không thiếu. Trong cuộc kỳ kèo với cha, Rita đã điều chỉnh khả năng của mình chính xác đến từng milimet để không bị hỏng việc. Nó là một đứa bé rất chín chắn. Nếu trời nắng thì nữ hoàng của ngày hôm ấy sẽ là Galinka vì nó hơn hẳn những đứa khác trong các trò chơi nhảy ô, chồng nụ chồng hoa, nhưng nếu là một ngày u ám thì Galinka đành phải nhường ngôi quán quân lại cho Rita vì nó có khả năng kể lại rất hấp dẫn những câu chuyện cổ tích ở trong sách mà bà nội đã đọc cho nó nghe, rồi thêm thắt vào đó những chi tiết rất li kỳ. Những lúc như thế, Galinka đành phải khiêm tốn ngồi trên ghế với mọi người, vươn cổ ra giữa những mái đầu khác để nhìn rõ Rita. Khi không thể thuyết phục được cha bằng những câu năn nỉ khôn ngoan và thông minh (chẳng hạn như “đi dạo một chút cho thư giãn” hay “đi thu thập mẫu thực vật” - nghĩa là đi dạo có ích) thì Rita vẫn cố gắng bước ra ban công để thông báo cho đám bạn đang đợi rằng hôm nay nó không có hứng thú đi dạo.
Tôi không có cái tính cách tinh ranh ấy. Tôi là người trực tính giống cha. Mỗi khi cha từ chối không cho tôi đi chơi, tôi chỉ biết cố kìm lại tiếng khóc sắp bật ra; còn khi ông hỏi tôi muốn xem phim gì, tôi nói thẳng với ông là bộ phim Phantomat nổi điên. Lẽ ra vào một ngày lễ Thánh như thế, tôi nên chọn bộ phim cổ tích Chiếc gương thần mới phải, vì đó là một câu chuyện cổ tích có ý nghĩa giáo huấn đối với những đứa trẻ như tôi. Càng lớn tôi càng khinh bỉ những trò dối trá và đa mưu của Rita, mà kết quả là nó đã thắng đậm người cha vô tư của chúng tôi, và chính chiếc bàn là nhỏ cha mua tặng nó đã trở thành một thứ công cụ ngẫu nhiên để chiến thắng ông...
Rita tặng chiếc bàn là cho Galinka với một thái độ thản nhiên, cứ như nó có toàn quyền đối với chiếc bàn là ấy, cứ như trong tương lai nó có thể tặng Galinka cả căn hộ của chúng tôi. Chiếc bàn là với cái bóng đèn màu đỏ ở tay nắm thì có nghĩa lý gì, chỉ là chuyện vặt, thậm chí không đáng phải nói một câu “Cảm ơn”. Galinka không chút nghi ngờ đón nhận chiếc bàn là, còn trong ánh mắt của Rita là nỗi tuyệt vọng, bởi nó không biết điều gì đang chờ đợi nó nếu cha biết được sự việc. Lúc đầu, Galinka có vẻ thích thú với chiếc bàn là, nhưng rồi ngay trong buổi chiều hôm ấy, nó chẳng quan tâm đến nữa; còn Rita thì sau hôm ấy không sao chợp mắt được, cứ lăn qua lăn lại rồi rên hừ hừ như đang bị bệnh, nhằm kéo dài thời gian cho đến lúc bị trừng phạt. Ban ngày, nó cố tránh mặt cha và suốt cả tuần phải sống trong sự lo sợ, biết đâu cha sực nhớ đến chiếc bàn là và cơn giận dữ sẽ bổ xuống mái đầu tuyệt vọng của nó. May ra đến lúc ấy, nó mới trút được gánh nặng.
Tôi ở trường về và ngay lập tức nhìn thấy Rita đang ở giữa vùng động đất, nỗi tức giận chính đáng của cha đang treo lơ lửng trên đầu nó như một tảng đá, ông đang lục vấn nó về chiếc bàn là mà ông đã mang từ thủ đô về. Vào những lúc như thế này, cha thường dùng ngôi thứ ba để nói với nó nhằm làm dịu bớt nỗi tức giận và đặt mình vào vị trí một quan tòa để phân xử giữa đứa con gái hư đốn, lơ đãng và một người cha chu đáo. Rita đứng rụt đầu vào hai vai, toàn thân run bần bật bởi tiếng quát tháo, mặc dù cha chưa hề động tay vào người nó. Lúc ấy, tôi quyết định cứu nó...
Thật lòng mà nói, vào giây phút ấy, tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện cứu nguy cho Rita, tôi chỉ cảm thấy lộn mửa vì sự ranh ma của nó và sực nhớ đến lời căn dặn của thầy giáo trẻ dạy môn Lịch sử. Trong giờ kiểm tra, thấy tôi cho đứa bạn ngồi bên copy các số liệu về cuộc khởi nghĩa của Pugachev, thầy bước lại và nói nhỏ vào tai tôi, “Mỗi người đều phải chết một cách đơn độc”. Giờ đây, tôi muốn biết Rita cảm thấy như thế nào, tôi muốn làm một cuộc thử nghiệm xem con người có khả năng bộc lộ sự nhanh trí của mình ra sao. Tôi bước lại và bằng một giọng lắp bắp kiểu trẻ con, tôi nói:
- Cha ơi, con xin lỗi. Hôm qua, lúc hai chị em con đang chơi với chiếc bàn là thì Zina Zimina đến hỏi về bài tập Đại số mà hôm nọ nó nghỉ vì bị ốm, rồi nó khen, “Ôi, chiếc bàn là đẹp quá, ở đâu ra thế?”. Em Rita đáp, “Cha tớ mua ở Moskva về đấy”. Zina bảo, “Các cậu có thể cho tớ mượn mang về cho cha tớ xem, để ông đi Moskva mua cho tớ một cái y như thế này, có cả đèn đỏ nữa được không?”. Con biết, nếu chưa xin phép thì không được đưa cho ai cái gì, nhưng lúc ấy bà và mẹ không có nhà, còn cha đang ngồi trong phòng làm việc, chúng con không dám quấy rầy...
Tôi nói một mạch, cứ như là đã thuộc lòng, nhưng sau đó, khi phân tích lại câu nói của mình, tôi nhận ra cứ như có ai đó thật thông minh đã mách bảo cho tôi vậy. Tất cả mọi việc đều đã được kiểm tra một cách chu đáo cho đến từng câu chữ: nào là nhắc đến con bé Zina khó tính, con gái của sếp nơi cha làm việc, nào là căn bệnh của nó, nào là không muốn quấy rầy cha vì những chuyện vớ vẩn; một câu nói dối nhẹ nhàng tràng giang đại hải có thể làm êm tai cha...
Lúc ấy, bằng kinh nghiệm của mình, tôi tin chắc đó là một câu nói dối tuyệt vời bởi vì nét mặt của cha dịu lại và ông đưa bàn tay to lớn của mình xoa xoa lên đầu Rita. Cơn bão đã qua... Không bỏ lỡ thời gian, tôi vội vàng lao lên căn hộ của Galinka. Tôi biết, sẽ là một sự sỉ nhục khủng khiếp đối với Rita nếu tôi yêu cầu Galinka trả lại chiếc bàn là, nhưng nó không còn sự lựa chọn nào khác. Galinka không có nhà. Tôi kể cho mẹ nó nghe câu chuyện về chiếc bàn là, và có lẽ nét mặt của tôi thể hiện còn đầy đủ hơn cả lời nói, nên chưa kịp nghe hết câu, mẹ nó đã vội vàng chỉ cho tôi chiếc hộp đựng đồ chơi của Galinka. Tôi lục tung chiếc hộp và nhanh chóng lôi ra chiếc bàn là. Quên cả cám ơn, tôi vội vàng chạy ra cầu thang, vừa chạy vừa lấy tay lau lau chiếc bàn là và trở về nhà, đưa nó cho cha. “Tốt lắm! Tốt lắm!”, cha hài lòng nói và tiếp tục gõ bàn phím.
Đối với cha, chiếc bàn là chỉ là một chuyện nhỏ có ý nghĩa giáo dục con cái. Ông không thể ngờ rằng, chiếc bàn là đó là chiếc bàn trượt bằng sắt trượt theo cuộc đời của Rita, đánh gục mọi trò mưu lược, tính toán của nó. Cho dù số phận của nó có tháo ra đan lại như thế nào đi nữa thì vẫn để lại dấu vết của chiếc bàn là, và trong tương lai, với sự ranh ma của nó trong cuộc sống, tôi không thể giúp được gì cho nó nữa. Chiếc bàn là nhỏ đã làm xong công việc sắt đá của mình.
Làm ra vẻ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, rằng chiến thắng trước cha không có ý nghĩa gì đối với tôi, tôi bước vào căn phòng của hai chị em và thấy Rita đang ngồi trên giường, người lắc qua lắc lại. Tôi đến gần và thì thầm vào tai nó, “Mọi việc xong rồi, bàn là đây”. Nhưng Rita vẫn tiếp tục lắc lư, cặp mắt nheo nheo. Khi đó tôi liền nói, “Hãy nghe đây, con Galinka chẳng còn nhớ gì đến chiếc bàn là đâu. Nó không có nhà”. Ánh mắt Rita trở nên vô hồn, nó kéo tấm khăn phủ ra khỏi gối và đổ vật xuống giường, ngủ một mạch cho đến tối. Nó ngủ rất say, phải lôi mãi nó mới dậy để đánh răng tối trước khi ngủ. Ngày hôm sau, nó được phép đi chơi, nhưng nó lắc đầu. Từ ngoài sân, tiếng bọn trẻ gọi nó, “Rita ơi, ra đây!”, nhưng Rita không bước ra ban công. Nó đi dạo với cha trong công viên, lẽo đẽo theo ông như hình với bóng, nhưng mỗi khi cha mẹ cãi nhau, nó bỗng trở nên đờ đẫn như người mê ngủ. Không hiểu sao, bà lại phát hiện ra điều đó và sợ nó sẽ thiếp đi luôn. Chính vì vậy mà vào cái ngày mẹ ném ly trà xuống sàn nhà và Rita bắt đầu đờ đẫn ngả qua ngả lại, bà liền vội vàng gấp cuốn truyện cổ tích Kvacheronka lại, rồi bảo tôi giúp bà xốc nách Rita ra cầu thang.
Chúng tôi bỏ lại cuộc cãi vã sau lưng bằng cách: tôi trượt xuống theo tay vịn cầu thang, còn bà lấy gậy mò mẫm từng bậc dẫn theo Rita. Ngoài phố, ba bà cháu giống như những vị khách bất ngờ gặp lúc chủ nhà cãi nhau nên lảng đi nơi khác.
Thành phố trẻ của chúng tôi phát triển như một người khổng lồ về phía các dãy núi Zigulev. Nó hầu như mới được xây dựng, vững chắc như những cây phỉ. Bà cúi xuống bụi hoa hồng, ngửi mùi thơm tỏa ra từ những mảnh vườn và buồn rầu nhận xét rằng, trong cái thành phố trẻ này chỉ có những người trẻ tuổi là dễ sống. Thành phố có rất nhiều cây xanh và những bồn hoa vuông, tròn đủ màu sắc. Những cây hoa, cũng giống như con người, được trồng theo từng khu riêng biệt. Bởi vì giới quý tộc và những cư dân đầu tiên của thành phố sống ở khu vực trung tâm, nên quảng trường trung tâm trồng toàn hoa hồng thuần chủng. Dọc theo con phố chính là hoa thược dược màu boóc-đô và những khóm cúc tây nhiều cánh đang khoe sắc rực rỡ. Trên các con phố khác có hoa thúy cúc, hoa lay ơn xếp ngay hàng thẳng lối, còn ở vùng ven là những cây hoa tử đinh hương và vô số những loài hoa khác.
Chúng tôi gặp thầy giáo dạy môn Lịch sử trẻ trung và vui tính. Thầy băng qua thảm cỏ, gật đầu chào chúng tôi và vui vẻ hỏi, “Chúng ta cùng đi dạo chứ?”. “Ồ không dám, không dám...”, bà lịch sự từ chối, còn tôi thì hét với theo thầy, “Em muốn đi!”, rồi tôi nói với bà bằng một giọng mỉa mai, “Giá mà cháu và Ritka có được người cha như thế!”. Giờ đây, tôi đã cảm nhận được cái khoảng cách giữa tôi và bà sau khi tôi hiểu ra rằng, ngoài việc nhét bông vào lỗ tai, bà chẳng thể làm gì hơn để bảo vệ những đứa cháu của mình. Nếu bà không có phản ứng gì sau câu nói của tôi, có nghĩa là bà cũng yếu đuối, dễ để người ta cưỡi lên đầu. Nhưng bà đã không im lặng, không thể không răn dạy, song lại chuyển sang đề tài khác, “Không phải Ritka mà là Rita”, bà sửa lại như cái máy. Lúc này, tôi lại thấy giá như bà không nói gì có lẽ sẽ đáng kính hơn.
Chúng tôi đi ngang qua đám trẻ đang nô đùa, với những tiếng la hét lanh lảnh kiểu trẻ con mà các ông bố rất thích, với những dải băng của trẻ con bằng vải bông lấp lóa dưới ánh mặt trời, và với những vết trầy xước kiểu trẻ con trên đầu gối. Rita không bước nổi nữa, chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế đá trong công viên. Bà lại nói, “Trong thành phố trẻ này, những người trẻ tuổi thật là hạnh phúc...”, tôi nhăn mặt khó chịu vì tôi không chịu nổi thành phố này, và thầm nghĩ, giá mà thoát khỏi đây tôi sẽ không bao giờ ngoái lại, suốt đời tôi chỉ nhớ về thành phố này như một cơn ác mộng...
... Vậy thì tại sao giờ đây cái thành phố này lại đang gọi tôi về với nó, và ai trong số chúng tôi không thể tồn tại được nếu không có nó? Tại sao những dãy phố, những vườn hoa, những ngôi nhà hình nón cụt kia như đang lao vùn vụt về phía tôi, làm tôi không thể tìm ra đường đến hiệu thuốc, lẽ ra chúng phải nằm đúng vị trí của mình? Lại có những lúc, đi dọc theo những con đường quen thuộc rợp bóng cây, trong màn sương mù bảng lảng, tôi không thể tìm ra đường đến tòa soạn báo Ngọn cờ Chủ nghĩa Cộng sản, nơi bà vẫn thường đăng những bài thơ trào phúng. Có những hôm tôi nằm mơ thấy hai cái ban công của căn hộ chúng tôi: dưới một cái ban công thường diễn ra các lễ cưới, còn dưới cái kia là những đám tang kéo dài lê thê. Trong giấc mơ, chúng thường đổi chỗ cho nhau, tôi nhìn xuống dưới và vô cùng kinh ngạc: trên bãi cát là ban nhạc tang lễ, thế mà các nhạc công phải đứng choãi chân ra như đang trượt băng, một nốt nhạc bỗng bay lên như chú chim sẻ, nhảy nhảy trên chiếc bàn bóng bàn!... Tôi có cảm giác cả thành phố như bị cuốn lại, chui vào một cái gì đó - chẳng hạn như cái ki-ốt bán kem bên cạnh rạp chiếu bóng Đại hội XX. Tôi muốn đãi những người bên cạnh kem nhưng tôi chẳng bao giờ làm được điều đó: tôi mò mẫm từng đồng xu lẻ trong cái túi tối om của mình cho đến khi chính mình cũng bị chao đảo trong bóng tối ấy. Sau đó, tôi thấy mình buồn bã đứng trong bưu điện và gửi một ít tiền cho Rita còn bà thì không gửi gì cả, vì trong giấc mơ, tôi vẫn nhớ rõ là ở cái thế giới mà bà đang sống, người ta không dùng tiền...
Chúng tôi ngồi thư giãn dưới tán cây đối diện với rạp chiếu bóng Đại hội XX, bỗng nhiên bà lên tiếng:
- Hay lắm! Ki-ốt mở cửa rồi! Ở đấy có bán kem. Suốt thế kỷ nay bà chưa ăn kem!
Rita vui vẻ hẳn lên. Chúng tôi đến gần ki-ốt và đứng ngay ở cửa sổ: đúng là trong các thùng lạnh có kem thật và người bán hàng không quen biết đang dùng kéo cắt các hộp kem ra. Bà dựa chiếc gậy chống vào tường, vỗ vỗ vào túi, nhưng cũng như mọi lần khác, hóa ra bà để quên ví tiền ở nhà. Và hai người, cả bà và Rita, đều nhìn tôi bằng ánh mắt hy vọng. Tôi quay mặt đi, cố không để những đồng xu lẻ trong túi va vào nhau. Những đồng tiền ít ỏi của tôi dường như cũng nín thở. Bà bảo:
- Về nhà, bà sẽ trả cho cháu.
Tôi không còn tin bà nữa. Bà không bao giờ muốn trả nợ: có lần tôi mua gối cho bà và Rita bằng số tiền ít ỏi tôi dành dụm được ở trường, nhưng sau đó bà bảo bà đã đưa hết lương hưu của mình cho mẹ rồi, thậm chí bà còn lớn tiếng vặn vẹo, cốt để cho cha nghe thấy, rằng tôi cần tiền để làm gì? Tôi dành dụm những đồng tiền còm ấy để mua một thứ mà tôi rất thích, ngày nào tôi cũng ghé qua cửa hàng để xem món hàng đã bị ai mua chưa.
Rita giật giật tay áo tôi nhưng tôi không quay lại. Vấn đề không chỉ ở món hàng mà tôi phải dành dụm chắt bóp. Tôi đứng và ngẫm nghĩ, mặc các người, muốn sống thế nào thì tùy! Còn tôi, có ai giúp tôi đâu. Khi cha túm tóc tôi, tra hỏi tôi về cái lỗi mà tôi không sao hiểu nổi thì chẳng có ai can... Khi tôi đầm đìa nước mắt thì Rita vẫn ngủ ngon lành; bà thì nói, “Hôm nay cháu đã đóng thêm một cái đinh vào cỗ quan tài của cha rồi đấy!”; còn mẹ, mẹ chỉ dám lặng lẽ mang vào giường cho tôi chiếc khăn lạnh. Mỗi người tồn tại trong cái hang của riêng mình, muốn sống phải biết cách bợ đỡ, chính người thầy giáo trẻ đã nói với tôi bằng một giọng nửa đùa nửa thật như thế, và tôi đã biết, đã nhìn thấu tâm can của tất cả mọi người, còn thầy giáo của tôi, ông không đùa, ông nghĩ như thế và niềm tin của ông là như thế, rằng mỗi người đều phải chết một cách đơn độc. Mỗi người phải tự xoay xở theo cách của mình, và mọi người chẳng việc gì phải nhìn tôi bằng cặp mắt oán trách như vậy!
Tôi quay lại phía bà và Rita để giải thích vì sao tôi không thể bỏ tiền ra được, và tôi bỗng ngạc nhiên nhận ra sự giống nhau đến kỳ lạ giữa họ... Cả hai đều nhìn tôi với vẻ mặt giống nhau, với cặp mắt tròn của trẻ con không chút ranh ma, chỉ có niềm mong muốn duy nhất là được ăn kem. Họ nhìn tôi với một sự thèm thuồng. Còn tôi, tôi càng nắm chặt hơn nữa những đồng tiền ít ỏi của mình trong túi, để chúng không vô tình tuột khỏi tay, và tôi đã tìm lại được cho mình cái đạo lý thường tình của cuộc đời. Ngày hôm ấy, tôi không mua kem cho họ.
Đào Minh Hiệp dịch từ nguyên bản tiếng Nga, Tạp chí Ngọn cờ, số 1, năm 2003
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét