Nhà văn Guy de Maupassant (Pháp)
Người nông dân và vị bác sĩ đứng đối diện nhau ở hai bên chiếc giường, cạnh người phụ nữ già nua đang hấp hối. Bà lặng lẽ, nhẫn nhục và vô hồn nhìn họ, lắng nghe họ trò chuyện. Bà sắp chết và không chống lại cái chết vì giờ của bà đã đến. Bà đã chín mươi hai.
Mặt trời tháng bảy chiếu vào cửa sổ và cửa ra vào đang để ngỏ, phả hơi nóng trên sàn nhà đất nâu, không bằng phẳng, bị giẫm đạp bởi bốn thế hệ những kẻ thô vụng. Mùi vị của các cánh đồng cũng được nung bởi cái nóng buổi trưa và được những cơn gió sắc lẻm lùa vào nhà. Những con châu chấu kêu kèn kẹt, phủ đầy đồng quê những âm thanh như thế, như âm thanh phát ra từ đồ chơi bằng gỗ bán cho trẻ con ở hội chợ.
Vị bác sĩ cất giọng nói: “Honore, anh không thể bỏ má anh trong tình trạng này. Bà ấy sẽ chết bất cứ lúc nào”. Người nông dân rất lúng túng, trả lời: “Nhưng tôi phải đi gặt lúa mì, nó ngã nằm trên ruộng đã lâu, thời tiết lại không thuận. Má thấy sao?”. Người phụ nữ đang hấp hối, bị sự tiếc của của người vùng Norman hành hạ, lấy ánh mắt và vầng trán trả lời vâng, và do vậy thúc giục con trai đi gặt lúa mì, cứ để bà chết một mình.
Nhưng vị bác sĩ rất giận dữ, giậm chân nói: “Anh không bằng một con thú, anh nghe chưa, tôi sẽ không cho phép anh bỏ bà ấy đi, anh hiểu chưa? Nếu anh đi gặt hôm nay, anh phải đi mời vợ của Rapet tới chăm sóc cho má anh. Tôi muốn nói thế, anh hiểu chưa? Nếu anh không nghe lời tôi, tôi sẽ để anh chết như một con chó, khi tới lượt anh bị bệnh, anh nghe chứ?”.
Người nông dân cao, ốm, chậm chạp bị sự lưỡng lự, nỗi sợ vị bác sĩ trả đũa và sự tiếc của hành hạ, tỏ vẻ e dè, toan tính rồi lắp bắp nói: “Chị vợ Rapet cần bao nhiêu tiền khi chăm sóc người bệnh?”, “Làm sao tôi biết?”, vị bác sĩ quát. “Điều đó phụ thuộc vào việc chị ta chăm sóc trong bao lâu. Trời ơi, mặc cả với chị ta đi! Nhưng tôi muốn chị ta đến đây trong vòng một giờ tới, anh nghe chưa?”.
Do vậy, người nông dân quyết định thuê chị ta. “Tôi sẽ đi gọi chị ta”, anh ta đáp. “Đừng giận, thưa bác sĩ”. Vị bác sĩ ra về, vừa đi vừa nói lớn: “Cẩn thận đó, rất cẩn thận, anh biết đó, tôi không nói khoác trong lúc giận!”. Khi còn lại hai người, người nông dân quay sang má anh ta, nói bằng giọng nhẫn nại: “Con sẽ đi mời chị vợ Rapet, như lời yêu cầu của bác sĩ. Má đừng lo, con về ngay”.
Anh ta đi.
Chị vợ Rapet, già như một bà làm nghề thợ giặt, chuyên trông coi người chết và người hấp hối trong vùng, ngoài ra còn may vá cho khách hàng. Những khi may xong cho khách những bộ đồ vải lanh mà không bị họ phàn nàn, chị ta lấy bàn ủi ủi thẳng thóm chúng. Khuôn mặt chị ta nhăn nhúm như một trái táo còn lại từ năm trước, độc địa, ganh ghét, tham lam với mức độ khác thường và người thì còng gù, như thể chỗ thắt lưng đã gãy, do phải thường xuyên ủi quần áo. Người ta có thể nói chị ta là người có tình yêu quái dị đối với những người đang hấp hối. Chị ta chẳng bao giờ nói năng gì, ngoài việc nói với người sắp chết, nói với rất nhiều kiểu người khác nhau trong tình trạng đó mà chị ta coi sóc và chị ta nói những chi tiết rất vụn vặt, luôn giống nhau, như một vận động viên kể lại vận may của anh ta.
Khi Honore Bontemps vào nhà, anh ta thấy chị ta đang phết hồ bột lên cổ áo của những người phụ nữ trong làng, chuẩn bị ủi và anh ta nói, “Xin chào, tôi hy vọng chị đang rất khỏe, chị Rapet à?”.
Chị ta quay đầu về phía anh ta nói, “Như thường lệ, như thường lệ, còn anh thì sao?”. “Tôi thì khỏe như tôi muốn nhưng má tôi thì bị bệnh”. “Má anh à?”. “Vâng, má tôi!”. “Có chuyện gì với bà ấy vậy?”. “Bà ấy sắp chết rồi, đó là vấn đề ở bà ấy!”.
Người phụ nữ rút tay ra khỏi chậu hồ bột và bỗng đồng cảm hỏi: “Sức khỏe bà ấy đang tệ vậy sao?”. “Bác sĩ nói bà ấy không sống nổi tới sáng mai”. “Hẳn bà ấy đang rất yếu!”. Honore lúng túng vì anh ta muốn có vài nhận xét giáo đầu trước khi đưa ra lời đề nghị nhưng anh ta chẳng có cơ hội nên đành nói ngay.
“Chị cần bao nhiêu nếu coi sóc má tôi cho tới khi bà ấy mất? Chị biết đó, tôi không giàu có gì, chẳng thể thuê người giúp việc. Thật mệt mỏi, thật bù đầu khi má tôi nên nông nỗi này! Bà ấy như đứa trẻ lên mười, dù giờ đã chín mươi hai. Giờ chị sẽ không thấy có ai như vậy đâu!”.
Chị vợ Rapet nói ào ạt: “Có hai giá: bốn mươi xu ban ngày, ba franc ban đêm nếu là người giàu và hai mươi xu ban ngày và bốn mươi xu ban đêm, nếu là những người khác. Anh có thể trả tôi hai mươi và bốn mươi”. Nhưng người nông dân nghĩ ngợi vì anh ta biết má mình còn khó mà chết. Anh ta biết bà ấy còn ngoan cường, cứng cáp và có thể sống thêm một tuần nữa, mặc cho lời bác sĩ đã nói và do đó anh ta nói cương quyết: “Không được, tôi muốn chị ra một giá cố định cho tới khi xong việc. Tôi sẽ sử dụng tối đa cơ hội của tôi, cách này hoặc cách khác. Bác sĩ nói bà ấy sẽ chết sớm. Nếu điều đó xảy ra thì tốt cho chị và xấu cho bà ấy nhưng nếu bà ấy còn sống tới ngày mai hay lâu hơn thì tốt cho bà ấy và xấu cho chị!”.
Người phụ nữ nhìn người đàn ông kinh ngạc vì chị ta chưa từng đối xử đầu cơ với kẻ sắp chết. Chị ta ngập ngừng, phân vân trước ý nghĩ về những khả năng có thể có mà người đàn ông vừa nói nhưng ngờ rằng anh ta đang chơi trò lừa. “Tôi không thể nói gì cho tới khi nhìn thấy má anh”, chị ta đáp. “Đi với tôi tới nhìn bà ấy”.
Chị ta rửa tay và đi ngay với anh ta.
Khi đi trên đường, họ không nói gì. Chị ta bước những bước ngắn, cập rập trong khi anh ta bước sải dài bằng hai chân dài ngoẵng, như thể mỗi bước chân là mỗi bước nhảy qua một con suối nhỏ.
Những con bò cái nằm trên đồng bị nắng thiêu đốt, nặng nề ngẩng đầu lên rồi ngoan ngoãn cúi xuống trước hai kẻ bộ hành như thể muốn xin ít cỏ tươi.
Khi đi tới gần nhà, Honore Bontemps lẩm nhẩm: “Lỡ bà ấy qua cơn nguy thì sao?”. Ý nghĩ bất chợt này của anh ta có lẽ được nhìn thấy trong âm thanh anh ta vừa phát ra.
Người phụ nữ già chưa chết. Bà nằm ngửa trên chiếc giường ọp ẹp, hai tay để trên tấm vải trải giường màu tía, khẳng khiu, xương xẩu như móng vuốt của một con thú lạ, như những con cua; hai tay một nửa co quắp lại do bị bệnh thấp khớp hành hạ, một nửa do đã cực nhọc làm lụng gần một thế kỷ...
Chị vợ Rapet đi tới giường, nhìn người hấp hối, bắt mạch, vỗ vỗ vào ngực, nghe nhịp thở và hỏi vài câu hỏi để xem người bệnh nói năng ra sao sau đó nhìn bà rồi đi ra, Honore đi theo sau. Ý nghĩ quyết đoán của chị ta là người phụ nữ già sẽ không sống nổi cho tới tối. Người nông dân hỏi: “Bà ấy khỏe chứ?” và người phụ nữ xấu xa đáp: “Vâng, bà ấy sẽ sống được hai, có khi là ba ngày nữa, anh cho tôi sáu franc trọn gói”.
“Sáu franc! Sáu franc!”, anh ta la lên. “Chị bị sao vậy? Tôi đã nói là bà ấy không thể sống thêm năm, sáu tiếng đồng hồ nữa!”. Họ giận dữ tranh cãi nhau nhưng vì chị vợ Rapet nói sẽ phải đi về, vì đã mất thời gian và vì lúa mì sẽ không về kho được nên cuối cùng, anh ta đồng ý với yêu cầu của chị ta.
“Vâng, giá sáu franc, trọn gói, cho tới khi tử thi được mang đi”.
Sau đó anh ta ra ruộng, bước những bước chân dài tới đồng lúa mì đang ngã rạp dưới nắng nóng và bị chín rục, trong khi đó, chị vợ Rapet bước lại vào nhà.
Chị ta mang theo một số quần áo, do muốn làm việc không ngừng tay bên cạnh người đang hấp hối và người chết, để thi thoảng may vá cho chính mình, thi thoảng cho những gia đình thuê chị ta làm thợ may vá cho họ và được họ trả kha khá. Bất thình lình, chị ta hỏi: “Thím đã nhận các bí tích cuối cùng chưa, thím Bontemps?”.
Người phụ nữ nông dân già lắc đầu và chị vợ Rapet, người rất sùng đạo, nói ngay:
“Chúa ơi, có còn kịp không? Tôi sẽ đi mời cha xứ”. Chị ta vội vàng đi đến nhà cha xứ, nhanh đến nỗi lũ trẻ bụi đời trên đường nghĩ là đã có một vụ tai nạn nào đó xảy ra, khi chúng thấy chị ta chạy.
Vị linh mục mặc áo thụng đi tới ngay, phía trước là một thằng bé giúp lễ rung chuông, báo cho biết cha xứ đang trên đường đi trao bánh thánh. Chuông vang trên đường quê tĩnh lặng, nóng như rang. Vài người đang làm việc, từ xa đã giở mũ, đứng im cho tới khi chiếc áo thụng trắng biến mất sau những tòa nhà trong trang trại; những người phụ nữ đang bó lúa mì thì đứng lên làm dấu thánh giá; những chị gà mái đen sợ hãi chạy dọc theo con mương cho tới khi tìm thấy hang để trốn và mất tích trong đó. Trong khi đó, một con ngựa con đang được cột giữa cánh đồng sợ run khi thấy bóng áo thụng và bắt đầu chạy tròn, chân sau đá tứ tung. Cậu bé giúp lễ mặc áo thụng đỏ bước nhanh còn vị linh mục đầu đội mũ vuông, nghiêng qua một bên đi sau chú ta, miệng lẩm nhẩm kinh cầu nguyện. Đi sau cùng là chị vợ Rapet, lưng còng như thể đang muốn phủ phục, bước đi với hai tay vòng trước ngực như đang ở trong nhà thờ.
Honore trông thấy họ đi từ xa và hỏi: “Cha xứ chúng ta đi đâu vậy cà?”. Người làm thuê cho anh ta, thông minh hơn, đáp, “Tất nhiên ông tới để làm phép bí tích cho má anh”. Người nông dân không ngạc nhiên, nói, “Có lẽ vậy” và tiếp tục làm việc.
Bà Bontemps xưng tội, nhận lễ tha tội và bánh thánh, sau đó vị linh mục ra về, để lại chỉ có hai người phụ nữ trong căn phòng ngột ngạt. Chị vợ Rapet lại bắt đầu nhìn ngó người phụ nữ đang hấp hối, tự hỏi liệu bà ấy còn có thể sống được thêm bao lâu nữa.
Ngày đã dần tàn, những cơn gió lạnh hơn bắt đầu thổi tới, làm cho một bức tranh đóng trên tường bằng hai cây đinh đung đưa. Những tấm rèm nhỏ ở các cửa sổ có màu trắng giờ đã chuyển sang vàng, có côn trùng bu đầy, nhìn như thể chúng sắp bay đi, như thể đang cố biến mất, như linh hồn của người phụ nữ già.
Nằm bất động, hai mắt mở to, bà như thể đang bàng quan đợi cái chết đang đến dần nhưng bị trì hoãn. Những hơi thở ngắn, dốc của bà bị nghèn nghẹn nơi cổ họng. Chúng sắp chấm dứt và sẽ không còn một phụ nữ trên đời. Không ai tiếc thương bà.
Đêm xuống, Honore trở về, đi tới giường bệnh, thấy má mình vẫn còn sống, liền hỏi: “Má sao rồi?” như khi bà ấy bắt đầu bị bệnh. Kéo chị vợ Rapet ra, anh ta hỏi: “Năm giờ sáng mai, không khác” và chị ta đáp, “Năm giờ sáng mai”.
Sáng sớm hôm sau, chị ta trở lại, thấy Honore đang ăn xúp mà anh ta nấu cho mình ăn trước khi đi làm, chị ta hỏi anh ta: “Vâng, má anh chưa chết à?”, “Ngược lại, bà ấy có chút tốt hơn”, anh ta đáp, trong góc mắt có nét nhìn len lén. Anh ta đi ra khỏi nhà.
Chị vợ Rapet bị nỗi lo âu chế ngự, đi tới cạnh giường người hấp hối. Và vẫn đang còn trong trạng thái như hôm qua, hôn mê, bất động, mắt trơ trơ, tay nắm chặt vải trải giường. Chị ta thấy rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài hai ngày, bốn ngày, tám ngày nữa và đầu óc xấu xa của chị ta bị nỗi sợ hãi vây kín. Chị ta giận dữ với gã nông dân quỉ quyệt đã lừa chị ta, giận dữ với việc người phụ nữ già vẫn chưa thấy chết.
Dẫu vậy, chị ta vẫn bắt đầu may vá, đợi chờ và chăm chăm nhìn vào khuôn mặt nhăn nheo của bà Montemps. Khi Honore trở về ăn sáng, anh ta có vẻ hài lòng, thậm chí là vui vẻ. Anh ta đang quyết gặt lúa mì trong tâm trạng khá thích thú.
Chị vợ Rapet trở nên bực bội, từng phút đối với chị ta là rất dài và tiền của chị ta đang bị cướp đoạt. Chị ta có ý muốn điên rồ là làm cho bà già ngoan cố, cứng đầu ngừng thở dốc bằng cách bóp cổ bà ấy vì bà đã cướp mất tiền bạc và thời gian của mình. Nhưng sau đó, chị ta nghĩ làm vậy là nguy hiểm. Những ý nghĩ khác vụt đến với chị ta. Chị ta tới bên giường và nói: “Thím có bao giờ thấy quỉ chưa?”, bà Bontemps thì thào: “Chưa”.
Sau đó người coi sóc kẻ hấp hối xấu xa bắt đầu kể cho bà ấy nghe những câu chuyện có khả năng làm đầu óc yếu ớt của bà sợ hãi. “Quỉ xuất hiện trước tất cả những ai đang ở trên ngưỡng cái chết”, chị ta nói. “Nó cầm chổi trên tay, đầu đội cái chảo chiên, miệng la hét. Khi người ta thấy nó, vậy là hết, người đó chỉ sống thêm được vài phút”. Sau đó chị ta kể ra những người đã thấy quỉ năm đó: Josephine Loisel, Eulalie Ratier, Sophie Padaknau, Seraphine Grospied.
Bà Bontemps sau khi đầu óc đã trở nên rối mù, nhúc nhích người, tay nắm lại và cố quay đầu nhìn về phía cuối căn phòng. Bất thình lình chị vợ Rapet biến mất. Chị ta lấy trong tủ quần áo ra một cái mền và phủ lên người, lấy một cái chảo chụp lên đầu và ba cái chân ngắn cong cong của cái chảo nhô lên như những cái sừng. Chị ta cầm một cái chổi ở tay phải, tay trái cầm một cái xô và chị ta bỗng quẳng cái xô lên, thế là nó rơi xuống đất, phát ra âm thanh ồn ào.
Sau đó, nhảy lên một cái ghế, chị ta vén cái màn treo ở cuối chiếc giường, chị ta hiện ra, khoa tay múa chân, la hét the thé vào cái chảo mà chị ta úp vào mặt mình và đe dọa người phụ nữ nông dân già sắp chết bằng cây chổi.
Sợ hãi và với nét mặt cuồng dại, người phụ nữ sắp chết cố gắng bằng sức mạnh siêu phàm ngồi dậy chạy trốn. Bà gượng nâng được hai vai và ngực lên khỏi giường nhưng sau đó nằm phịch xuống trở lại, thở hơi thở cuối cùng. Thế là xong. Chị vợ Rapet đặt mọi thứ vào chỗ cũ, cái chổi trong góc, cái mền trong tủ đựng quần áo, cái chảo trên bệ lò sưởi, cái xô trên sàn nhà và cái ghế dựa vào tường. Sau đó, bằng những động tác điệu nghệ, chị ta vuốt hai mắt to của người chết lại, đặt một cái đĩa trên giường, rót nước thánh vào rồi đặt nó vào một cái thùng nhỏ làm bằng gỗ gắn ở phía trước tủ có ngăn kéo và quì xuống, tha thiết đọc đi đọc lại những kinh cầu nguyện mà do nghề nghiệp, chị ta thuộc làu làu.
Vào chiều tối, Honore trở về, thấy chị ta đang đọc kinh. Anh ta tính ngay là dù chỉ ở đó có ba ngày và một đêm nhưng chị ta đã cuỗm mất của anh ta hai mươi xu, vị chi là năm franc, thay vì anh ta phải trả sáu franc.
Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ www. Classic Short Stories. Com
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét