Tôi đã đọc truyện “Giờ thứ hai mươi lăm” của nhà văn Constantin Virgil Gheorghiu đến lần thứ ba, thứ tư. Tôi cũng đã xem phim cùng tên, do diễn viên yêu thích của tôi- diễn viên huyền thoại Anthony Quin nhiều lần, mỗi lần đều có cảm nhận riêng, rung động riêng.
Phim thì không sâu lắng bằng truyện, nhưng xem phim cũng có những tình huống cụ thể thú vị. Tôi nghĩ tốn công đọc, tốn công xem mà không ghi lại đôi dòng cảm xúc nghe cũng uổng. Vì thế tôi có mấy dòng này nhằm nghĩ về giờ thứ 25 của đời mình.
*
“Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” là cuốn tiểu thuyết thể hiện niềm sợ hãi sự diệt vong của loài người, hậu quả do xã hội kỹ thuật máy móc mang lại. Một xã hội máy móc, tôn sùng kỹ thuật có nguy cơ tận diệt nhân loại.
Moritz, Traian, Koruga những nạn nhân của xã hội máy móc, những con người vô tội nhưng đã phải cam chịu nhiều oan khiên đầy đọa vô cớ, nhất là Moritz, người thể hiện thân phận bi đát nhất của thời đại máy móc mà giá trị con người đã xuống thấp đến chỗ không còn gì cả. Một nông dân chất phác, hiền lành như anh, con người hoàn toàn vô tội bị kẻ gian hãm hại, đi đào kênh. Moritz bị ghi nhầm là Do Thái trong danh sách đưa tới gia đình tan nát, trốn sang Hung bị công an tra tấn dã man vì tình nghi làm gián điệp, bị bán cho phát xít Đức, được chúng cho vào lính, coi tù rồi cứu được năm người tù binh Pháp nhưng vẫn bị Mỹ giam cầm hết trại tù này sang trại tù khác. Khi chiến tranh chấm dứt, anh chỉ thấy toàn là trại giam, những hàng rào kẽm gai.
*
Hậu quả của văn minh máy móc là sự tiêu diệt xã hội loài người, đó là ngày tận thế, người viết cuốn “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm”, cho biết đó là giờ mà mọi cấp cứu đều vô vọng, dù Chúa Cứu thế ra đời cũng không thể cứu vãn được, đó không phải là giờ chót mà giờ kế sau giờ cuối cùng - giờ của xã hội, văn minh Tây phương.
Theo Gheroghiu văn hóa Tây phương không còn quí trọng con người nên sẽ bị diệt vong, xã hội kỹ thuật khinh rẻ con người khiến giá trị con người ngày càng giảm.
Moritz đã bị Hungary bán cho Đức quốc xã làm nô lệ đổi lấy một thùng đạn, khi ấy Moritz nghĩ mình sẽ làm nô lệ suốt đời. Sang Đức làm lao nô trong một nhà máy sản xuất quốc phòng, Moritz được người ta nói máy móc là một người thợ hoàn hảo nhất, ta phải học nó để làm việc, nó dạy ta kỷ luật, trật tự, sự hoàn chỉnh. Văn sĩ Traian nói với vợ ý này như một luận điểm minh họa cho luận đề trên: “Tây phương tạo lên một xã hội giống như cái máy và con người sống trong xã hội phải thích ứng theo luật lệ của máy móc”. “Họ tưởng là thành công nhưng thực ra đã giết lần mòn con người khi họ buộc con người phải theo những luật lệ đã chi phối cái ô tô, đồng hồ, đối với xã hội kỹ thuật, con người coi như không có”
Traian làm đơn thỉnh cầu cho Moritz, anh ta vô tội, không trộm cắp, giết người, lường gạt, không phạm tội trước luật pháp cũng như giáo hội nhưng bị bắt giam vô cớ hết ngày này sang ngày khác, đã bị lưu đầy trong mười bốn trại giam. Suốt đời chàng chỉ có một ước mơ tầm thường là được yên ổn làm ăn, nuôi sống gia đình nhưng như vậy là có tội? Moritz đã giúp năm người tù binh vượt khỏi trại giam phát xít, như vậy là có tội chăng?
Traian hỏi người sĩ quan Mỹ thẩm vấn chàng lý do họ bắt mình, ông ta nói vì anh là một công chức nước Roumanie, thù nghịch của Mỹ và đồng minh, chiếu theo luật lệ vợ công chức cao cấp của nước thù nghịch cũng bị bắt. Người Mỹ cho rằng khi họ coi con người chỉ là một loại hạng, thành phần là một cách giải quyết công bình và nhanh chóng nhất, nay chúng ta đang ở thời kỳ toán học và khoa học chính xác không thể vì lý do tình cảm, tình cảm chỉ là sản phẩm của thi nhân, thần học. Traian kết án đó là một phương pháp vô nhân đạo, xóa bỏ con người.
Hai chục ngàn tù nhân bị giam theo thủ tục phòng hờ, khi cần một phạm nhân chỉ cần bấm số là ra ngay, khỏi phải chạy tìm kiếm mất thì giờ, con người đã ở trong guồng máy phải chờ giống như một sợi chỉ đã luồn trong máy dệt không thể lấy ra được mà phải chờ khi nó ra khuôn. Tù nhân bị giam giữ vô cớ hết năm này sang năm khác không còn tin tưởng vào công lý loài người, nó đã biến mất trên thế gian này.
Tâm tư của nhân vật Traian thể hiện luận đề của tác phẩm, chàng chính là hình ảnh của tác giả Gheorghiu. Traian nói xã hội kỹ thuật Tây phương không còn hợp với đời sống cá nhân vì nó bóp chết con người, loài người sẽ phạm tội nặng, xã hội ấy sẽ bị diệt vong như bao xã hội khác trong lịch sử.
Xã hội Tây phương hy sinh con người cho lý thuyết, cho kế hoạch, nó đã tiêu diệt con người, nó tìm hiểu và nâng cao đời sống con người bằng những con số toán học và thống kê. Các luật lệ máy móc, hoạt động của cơ giới không bao giờ tạo được ý nghĩa cho đời sống con người khi ấy đời sống con người sẽ tiêu vong.
Và rồi Traian đi tìm cái chết, người ta cho anh chỉ là người điên quẫn chí, nhưng anh đã phản kháng lại nền văn minh máy móc và đem xác thân ra để đòi công bằng công lý cho cá nhân mình, cho Moritz cũng như cho hàng vạn người bị giam cầm oan uổng. Họ đã là nạn nhân của một nền văn minh chỉ biết coi con người như những con số, đã đưa giá trị con người xuống hàng số không.
Nhân vật Traian, chính là người viết cuốn “Giờ thứ 25”. Theo nhà văn, đó là giờ mà mọi sự cứu rỗi đều trở nên vô vọng, dù có Đấng cứu thế cũng không không thể cứu vãn được. Giờ thứ 25 không phải là “giờ chót” mà là “giờ kế tiếp sau giờ cuối cùng”. Đó là ngày tàn của xã hội văn minh phương Tây.
Đối với xã hội kỹ-thuật-hóa, đây là một mặt thật của kiếp người, sống trong thời buổi giá trị con người bị giảm xuống con số không: nhân vị, cá nhân, tình cảm hầu như không còn nữa. Tất cả đều sử dụng máy móc, đều hành động một cách máy móc, nên con người cũng bỏ lần nhân cách để theo kịp đà tiến của kỹ thuật rồi trở thành nô lệ cho kỹ-thuật và lôi cuốn đồng loại mình vào trận cuồng phong, vào vực thẳm.
Có còn chăng chút hy vọng lập lại xã hội loài người, như lời mục sư Kogura, trong truyện: "Sau rốt, Chúa lại đến phải xót-thương con người, như Chúa đã "từng thương-hại nhiều lần. Và, giống chiếc thuyền của ông Noé trên "lượn sóng trận đại-hồng-thủy, vài người thật là người, còn giữ được "chân tính, sẽ nổi trôi trên trận vận xoáy nhiễu loạn của đại nạn tai ương tập thể này”. Và chính nhờ mấy người ấy mà loài người sẽ được "bảo tồn cứu vãn, như đã trải qua bao lần trong lịch sử".
Nhìn lại đời mình, trong cái nhìn thiền quán, tôi tin “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” sẽ là giờ của niềm hy vọng, của sự phục hồi những giá trị chân chính của con người khi vượt qua ranh giới 24 giờ trong lòng tôi. Tôi tin vòng tuần hoàn sẽ diễn ra để tôi được hưởng 24 giờ trong lạc quan. Chứ không phải bi quan thì nhìn kiếp người “bị” trói buộc trong vòng luẩn quẩn của máy móc và không dứt ra được.
N.P
*
GHI LẠI ĐOẠN VĂN ẤN TƯỢNG
Tôi đặt tên cho đoạn văn ưa thích của mình: Phải cái áo em mặc đêm đó hay không?
“Còn Suzanna đứng giữa phòng một hồi, không biết làm gì. Đoạn nàng lại ngồi tại bàn ăn, đối diện với chồng. Nàng biết Moritz mệt mỏi, nhưng không dám bảo anh đi ngủ. Nàng tự thấy có lỗi nhiều về các sự việc đã xảy ra.
Chồng nàng bị bắt, bị đày trong trại giam bao nhiêu năm, cũng tại nàng. Lại còn chuyện quân Nga cưỡng hiếp nàng, lỗi cũng tại nơi nàng. Vì thế, nàng không dám nhìn cặp mắt Moritz và cũng không dám mời anh đi ngủ.
Bây giờ các con đã ngủ rồi, Suzanna ngước mắt ngó chồng, gặp lúc Moritz đang ngó nàng. Bốn mắt gặp nhau, quyện lấy nhau hồi lâu, như không thể rời được. Anh lên tiếng hỏi, “Phải cái áo em mặc đêm đó hay không?”
Moritz ngó chiếc áo dài xanh, cổ hở, mà Suzanna đã mặc đêm cha nàng đánh chết mẹ nàng, chiếc áo nàng mặc lúc anh dẫn nàng về nhà cha mẹ, nhưng mẹ anh không chịu chứa, anh phải dẫn tới nhà mục sư Koruga xin ở đậu căn phòng gần nhà bếp.
Lúc đầu, Suzanna chỉ có cái áo độc nhất này. Suốt mấy tuần lễ, nàng chỉ mặc cái áo dài xanh ấy, ban đêm phải cởi ra để dành. Về sau, nàng may được thêm mấy cái khác. Nhưng chỉ có cáo áo này, nàng cho là đẹp hơn hết, và chồng nàng cũng thích nó nhứt.
*
“Nàng không thay đổi nhiều. Mặt hơi nhăn, da mất vẻ tươi thắm, tóc đã phai, giống màu chỉ gai, bộ ngực hơi xệ. Nhưng nàng vẫn như xưa. Moritz không bao giờ nghĩ sẽ gặp được Suzanna như ngày trước, nàng Suzanna ở làng Fantana của anh. Mười ba năm, ví như một thời gian… tạm cho thuê! Cả hai ra ngoài đi dạo và đến nằm trên một thảm cỏ xanh…
“- Em cũng như lúc nào! Không thay đổi gì hết, vẫn còn là Suzanna của anh, như hồi trong vườn làng Fantana. Làm cách nào em giữ được nguyên vẹn như vậy?
- Anh nói không đúng! Em già rồi. Chỉ có anh không thay đổi mà thôi. Suzanna dang ra. Moritz ôm sát nàng lại:
- Em cũng như lúc xưa. Dường như không có mười ba năm xa cách chút nào!
Nàng cũng có cảm tưởng như thế về Moritz. Như thuở nọ, anh cũng vòng tay ôm ngang lưng nàng, anh cũng ôm siết nàng vào lòng, và hôn hít lấp miệng nàng đến ngộp thở.
Nàng cũng cảm thấy ngực anh đè nặng nàng như cái áo giáp. Tất cả đều giống như thuở nọ. Suzanna nói:
- Anh thơm mùi cỏ làng Fantana quá! Anh còn giữ mùi cỏ mùi rơm ấy luôn… Em chỉ nhớ đến anh mà thôi. Em xin thề. Ngày đêm em nhớ đến anh luôn, với tất cả tâm hồn em. Em xin thề với anh. Anh là vừng đông, là mặt trời, là chồng yêu quý của em. Chỉ một mình anh mà thôi".
(Hết trích)
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét