Tôi lật cuốn tiểu thuyết “Chiếc cầu trên sông Drina” và tôi đã gặp dòng này: Giải Nobel Văn chương năm 1961 được trao cho văn hào, chính trị gia người Nam Tư Ivo Andrić vì “tài năng nghệ thuật sử thi”, cho phép đặt ra những vấn đề và những số phận con người gắn với lịch sử đất nước một cách đầy đủ nhất - theo lý giải của Ủy ban Giải thưởng Nobel của Thụy Điển. Vậy là tôi say sưa với nó, cũng được vài ba ngày, vui sống trong hiện tại. Tôi ghi lại cảm xúc, nghĩ suy sau khi đọc dưới đây.
Nghệ thuật sử thi
Nhà văn Ivo Andic kể chuyện cây cầu trên dòng sông Drina khởi đầu như sau: "Phần lớn dòng chảy của con sông lao qua những hẻm núi hẹp giữa những sườn núi chớn chở hay qua những vực sâu thăm thẳm với những tường đá dựng.
Chỉ ở một vài nơi, bờ sông trải ra hình thành những thung lũng với bờ thoai thoải, một nơi như thế nằm ngay tại tỉnh Viýegrad, ở đó dòng sông bung vỡ thành một dòng uốn cong. Thị trấn Viýegrad nằm hai bên bờ sông và câu chuyện của tôi kể về những mảnh đời ở thành phố này và cây cầu bắc ngang sông Drina."
Đó là chiếc cầu bằng đá mang tên Mehmed Paýa Sokolovic trên dòng sông Drina xanh ngắt, trung tâm của cuốn tiểu thuyết, được ghi chép từ thế kỷ XVI tới năm 1914. Cuốn truyện miêu tả cuộc sống, định mệnh và những mối liên hệ giữa những người cùng thời cư ngụ cùng trên một mảnh đất. Đặc biệt xoáy sâu vào cuộc sống của những người Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo Chính Thống sống ở Bosnia và Herzegovina.
Chuyện kể rằng, cuối thế kỷ thứ 4, vua cuối cùng của đế quốc La mã là Theodosius đệ nhất chia lãnh thổ làm hai phần Đông và Tây, giao mỗi phần cho một hoàng tử cai trị, với ranh giới là dòng sông Drina, nay thuộc lãnh thổ Bosnia trên bán đảo Balkans. Dòng sông không chỉ là một biên giới địa lý, mà còn là đường phân thủy của hai dòng văn hóa đông tây nữa. Trên bờ phía đông dòng sông, có một tỉnh nhỏ tên là Visegrad. Đây là nơi đa dạng về văn hóa, chủng tộc và tôn giáo.
Trong khi giới quý tộc theo đạo Hồi, thì giới nghèo theo Thiên chúa giáo La Mã, dân quê theo Chính Thống giáo còn thương buôn là Do Thái. Đế quốc Hồi giáo Ottoman lúc thịnh hành có một quy định đối với các vùng xa, gọi là cống vật bằng máu -huyết cống: thỉnh thoảng quân lính tràn vào phía bờ tây, bắt trẻ trai đưa về làm nô lệ cho giới quý tộc ở thủ đô Istanbul.
Từ một vết thương không kín miệng
Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh cậu bé người Serbia bị cướp khỏi bàn tay của người mẹ. Bờ sông Drina chính là điểm chia tay giữa mẹ và con, trước khi đoàn quân lôi đứa trẻ lên yên, quất ngựa phi nhanh, rồi xuống phà qua sông, như đi vào cõi vô tận. Trong tác phẩm “Chiếc Cầu Trên Sông Drina”, Andric tả lại cảnh những bà mẹ chia tay con mình:
"Những bà mẹ này chạy theo các con, vừa chạy vừa kêu khóc, cho tới khi tới bờ sông và đứa nhỏ được đưa xuống phà. Tới đây thì họ kiệt lực và cũng không thể theo qua bên kia sông."
Vĩnh viễn mẹ con chia cách nhau. Những đứa trẻ sẽ trở thành người Hồi giáo và mang tên Thổ. Tại thủ đô, những đứa thông minh, mặt mũi sáng sủa cũng có khi đựơc chọn lựa và huấn luyện để trở thành quân nhân. Một trường hợp vô tiền khoáng hậu xảy ra, vào cuối thế kỷ 16, là một trong các trẻ ấy trở thành tể tướng của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), tên là Mehmed Paýa Sokolovic.
Vị đại quan ấy dù đã lên đến tột đỉnh danh vọng, vẫn mang trong lòng một vết thương không kín miệng, đó chính là dòng sông Drina ngăn cách ông mãi mãi với người mẹ thân yêu. Chỉ có một cách để hàn gắn vết thương là cho xây một cây cầu nối liền hai bên bờ ngay tại tỉnh Viýegrad.
Cuốn tiểu thuyết lấy chiếc cầu như một sân khấu, mà cũng là một chứng nhân, một sợi chỉ xuyên suốt thời gian hơn 300 năm. Quãng thời gian đó, tại đây - một trong những khu vực đa dạng nhất trên thế giới, luôn có những mâu thuẫn có khi không thể dung hợp nhau, đưa đến sự bùng nổ của thế chiến thứ nhất, khiến cây cầu bị phá hủy một phần.
*
Việc xây dựng cây cầu khởi sự vào năm 1566 và năm năm sau thì hoàn thành, thay thế cho chiếc phà cũ kỹ đưa người qua sông. Lúc cây cầu bắt đầu đựơc xây dựng, nỗi uất ức của những con người đói khát bị đánh đập, hành hạ và lao động khổ sai đã đưa đến tin đồn là thần linh không muốn cây cầu đựơc hoàn thành.
Radisav, người tung tin đồn đó bị bắt, và bị kết tội chết bằng cách đóng nọc.
Hình ảnh kinh hoàng của một con người giống như ngồi trên một cái sào cao ngất dựng bên cầu đã là động lực thúc đẩy những con người bất hạnh lao động nhanh hơn, mạnh hơn và chăm chỉ hơn.
Cây cầu khi đã hoàn thành với cái kapia- giống như cái bốt gác ở giữa một bên cầu, liền trở thành trung tâm sinh hoạt của Viýegrad. Đời sống cứ trôi đi, cứ đổi thay, thế hệ này tiếp theo thế hệ khác như dòng nước chẩy qua chân cầu. Nhưng chính cây cầu thì vẫn còn đó, với mây bay trên cao và nước xanh chảy xiết bên dưới. Cây cầu không nói, không phản ứng mà chỉ ghi nhận.
Những chú bé vẫn ra bờ sông ngồi câu cá nơi mà cha anh đã từng ngồi câu trứơc đây. Rồi chú lớn lên, đi qua cầu để bước vào một cuộc sống khác. Có khi không bao giờ trở về, cũng có khi lê bước mỏi trở lại cây cầu với gánh nặng của đời sống và tuổi tác trên vai. Nhưng cây cầu thì vẫn thế, đá vẫn lên nứơc sáng bóng và nước sông vẫn cứ sủi bọt khi đụng vào chân cầu.
*
Chiếc cầu vẫn còn đó đời đời
Là tâm điểm trong tiểu thuyết mang tính sử thi, cây cầu danh tiếng này mang tên vị Tổng trấn Mehmed Paša Sokolović và được xây dựng trong thời gian 1571-1577. Với chiều dài gần 180m và có 11 vòm xây bằng vữa, đây là một kiệt tác kiến trúc thế kỷ 16 thời Đế quốc Ottoman. Chứng kiến những thăng trầm của đất nước, cầu Mehmed Paša Sokolović đã thực sự “khóc cười theo vận nước nổi trôi”.
Nó từng bị phá hỏng 3 vòm cầu trong Đệ nhất Thế chiến, và toàn bộ 5 vòm cầu trong Thế chiến thứ hai. Cầu cũng đã phải chịu nhiều lần nước lụt, lũ khắc nghiệt. Cho dù đã đuợc tu sửa, nhưng thời gian và chiến tranh khắc nghiệt đã làm mất đi nhiều nét huy hoàng của một công trình kiến trúc rực rỡ thời Phục Hưng tại Bosnia. Năm 2007, UNESCO đã đưa cây cầu vào danh sách di sản văn hóa như một sự vinh danh xứng đáng dành cho di tích này.
N.P
*
Xúc cảm của tôi
Tôi đọc “Chiếc cầu trên sông Drina” từ hồi còn rất nhỏ, lúc đó tâm trạng mau xúc động một cách dễ dãi của tuổi bé thơ, có nhiều đoạn làm tôi rơm rớm nước mắt. Tiểu thuyết gồm 25 chương mà theo tôi mỗi chương là một truyện ngắn, tập họp của một chuyện dài đa dạng và vô thường như chính đời sống và lịch sử. Dòng sông Drina vẫn trôi đi và cây cầu vẫn đứng đó, ghi nhận bao chuyện buồn vui của kiếp người. Tôi nhớ hoài đoạn văn nhà cầm quyền hành hình một người cầm đầu toán phá cầu để phản đối chế độ hà khắc, áp chế người dân đi làm cầu.
Người ta trói ngửa người bị hành hình trên đất, lấy một cây nọc dài quá thân người, vót nhọn, đầu bọc đồng, cứ thế từ từ đóng từ hậu môn xuyên qua các bộ phận nội tạng, đến khi cây nọc ló ra khỏi cổ phía sau nạn nhân. Người ta dựng thân hình đó lên bêu giữa chợ để mọi người nhìn thấy mà sợ, không dám nổi loạn. Hồi đó đọc đến đoạn này tôi lướt qua, không dám đọc, tôi nghĩ làm sao lại có loại người tê liệt cảm xúc, vô cảm, tàn nhẫn đến vậy. Hay là họ bị đánh thuốc mê để đan tâm làm cái việc không ai dám làm ấy.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét