“Bản du ca cuối cùng” của dịch giả Vũ Kim Thư, trước năm 1975 cũng dịch giả này nhưng đặt tên là “Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống”, tôi nghe khoái hơn, vì có chút nhạc tính và nêu được cái vật vờ của nhân vật ngay trong cái đầu đề. Nhưng dù sao khi đọc “Bản du ca cuối cùng” cũng dâng trào trong tôi cảm xúc về những người lang thang không tương lai mà vẫn biết yêu và tin, ôm ấp bản du ca về họ.
Tác phẩm đã dạy tôi, hãy tin tưởng cuộc sống này, bởi trong khó khăn, lầy lội và đêm đen, tôi vẫn thấy biết bao tình người, họ chia nhau từng xu lẻ, từng hớp rượu, món ăn, chỗ ngủ, để cùng nhau thắp lên một thoáng hy vọng.
Qua những dòng miêu tả, tôi đã được trải nghiệm- dù qua sách vở, thế nào là cái đắng cay của một con người không có giấy tờ, không được công nhận, chui nhủi qua ngày để tồn tại vì ngày mai. Số phận loài người bị định đoạt bằng tờ giấy được phép lưu trú mỏng manh như chính phận đời họ. Do vậy tại đây bật lên trong tôi cái tứ - cái tựa đề loài người không còn đất sống, tôi cho thật là “đắc”.
*
Với những trải nghiệm của một người lính trong Thế Chiến thứ nhất và bị chính quê hương chối bỏ phải lưu vong, Remarque đã đưa vào các tác phẩm của mình những nhân vật với số phận chìm nổi nhưng không bao giờ ngừng yêu thương và hy vọng.
Đó là Kern và Ruth – đại diện cho lớp trẻ tuổi đôi mươi phải vứt bỏ tương lai tươi sáng vì bản thân là người Do Thái. Đó là Steiner – đại diện cho trường hợp tình yêu bị chia cắt nhưng không ngừng nghĩ về nhau để tìm một con đường sống. Đó là Marill – đại diện cho sự bất lực của tri thức trước bạo lực hung tàn. Và còn nhiều người khác nữa góp câu chuyện của mình vào “Bản du ca cuối cùng”, một khúc nhạc buồn nhưng vẫn cố ngân lên những thanh âm êm dịu và đẹp đẽ về tình người ở bên rìa xã hội.
Tôi nhận ra, chỉ có những người đã đến cảnh khốn cùng mới có thể giúp đỡ nhau, cùng nương tựa để tồn tại, bởi “điều mà nhân loại còn đang thiếu thốn chính là một lòng tốt bình thường”.
*
Trong tác phẩm, nhân vật là người Do Thái hoặc người Đức bị gán tội trong thời kỳ chiến tranh. Ở lại thì sẽ bị tống vào trại tập trung, chịu một cuộc sống không bằng chết nên chỉ còn cách ra đi. Những phận người phải bỏ lại tất cả sau lưng không khác chi những dòng miêu tả trong tác phẩm “Bản du ca cuối cùng”.
Tôi nhìn lại, khác chi cuộc sống rày đây mai đó của những người ly tán trong cuộc chiến hôm nay của cả hai phía Palestine hay Israel, Nga hay Ucraina họ cũng chẳng mấy khi được yên. Họ phải sống trong thấp thỏm và lo sợ không ngừng vì lúc nào cũng có thể bị chết bom đạn, bị bắt, bị cái lạnh, cái đói bủa vây. Họ phải lánh nạn khỏi vùng chiến sự, khi ấy, con người hơn nhau chỉ ở tấm giấy thông hành. Không có giấy thông hành đồng nghĩa với việc bị tước bỏ tư cách làm người, trở thành một sự vô thừa nhận trong mắt chính quyền các nước trong khu vực châu Âu. Từ trẻ đến già, tất cả những ai lâm vào cảnh tháo chạy khỏi đất nước của chính mình đều trở thành người không quê hương.
*
Tự sâu thẳm lòng tôi sau khi đọc “Bản du ca cuối cùng” bỗng bật lên một lời nhắn nhủ: Thế giới tương lai chỉ dành cho những người có đức hạnh. Những kẻ hung ác, tàn bạo, ích kỷ sẽ bị loại bỏ. Nếu người lãnh tụ quốc gia có đức hạnh thì quốc gia sẽ tồn tại. Nếu đó là kẻ chuyên chế, bạo tàn, muốn thống lĩnh, muốn chiếm đoạt tất cả thì sớm muộn cũng sẽ mất tất cả, quốc gia đó sẽ bị chia rẽ thành nhiều vùng, bị xóa tên khỏi bản đồ hoặc bị thay thế bằng những quốc gia mới nhỏ hơn.
N.P
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét