Nhà văn Tashi Dawa
· Trần Ngọc Hồ Trường dịch
Nhà văn Trung Quốc Tashi Dawa sinh năm 1959. Ông là thành viên của Liên đoàn văn học và nghệ thuật Trung Quốc. Ông được mời giảng ở các đại học Tibet Minru University và Tibet University. Tác phẩm ông được dịch sang tiếng Anh, Hà Lan, Đức, Ý, Nhật, Sec, Nga và Thụy Điển...
Con sông rộng như một cái hồ, một đại dương, một thảo nguyên. Ngôi làng dưới chân núi bên kia sông sẽ không huyền hoặc nếu không có những dấu chấm xanh trên bờ, đó là những cây liễu. Chúng cũng khiến ngôi làng trông gần hơn. Nước sông êm như gấm chảy miên man về chân trời.
Ngôi làng nghèo bên này sông có 70 ngôi nhà làm bằng đá cũ kỹ nằm rải rác trên dốc. Phân bò dùng để đun nấu được phơi trên tường; gà trống gáy trên nóc nhà. Có một con suối bắt nguồn từ ngọn núi chảy qua làng. Trên đường vào làng, có một cây đa lớn, được trồng để làm chỗ tránh mưa tránh nắng. Dân làng qua sông để mua vật dụng, thực phẩm hàng ngày như đường, trà, vải, kim chỉ.
Vào một buổi sáng, có một người đàn ông trẻ và một cô gái bé bỏng đẩy một chiếc bè làm bằng da bò xuống sông. Anh lớn hơn cô gái chừng 10 tuổi.
“Anh Danzeng, anh mang em đi với anh chứ?”, cô gái nói đùa như mọi khi.
“Em còn quá trẻ”, Danzeng cũng đùa cợt trả lại. “Hơn nữa, em còn phải chăn dê”.
“Làng bên kia sông lớn không anh?”
“Lớn”
“Người ta có bán khăn trùm đầu ở chợ không?”
“Có”
“Anh Danzeng?”
“Gì hả em?”
“Anh mua cho em một cái màu xanh đi!”
“Ừ”
“Anh đừng quên đó!”
Dân làng tụ tập trên bờ sông, đợi qua bè để thăm bà con của họ hoặc mua bán. Chiếc bè được chống đi, cô gái bé bỏng vẫn nói với theo, chân đứng trong nước. Anh Danzeng cười và gồng tay, gồng ngực chèo chiếc bè đi. Hình ảnh anh trông rất dũng mãnh.
Cô bé dùng roi lùa đàn dê lên đồi. Từ trên đồi, chiếc bè trông nhỏ như một tổ ong. Cô bé ngồi xuống trên một tảng đá và nghĩ về chiếc khăn trùm đầu. Nó hẳn sẽ bắt mắt ở ngôi làng buồn tẻ này.
Em là cô bé chăn cừu lặng lẽ, cô đơn, là trẻ mồ côi từ khi còn rất bé, được một ông chủ quán một mắt nuôi dưỡng. Như nhiều cô gái khác trong làng, em đã có mười mấy năm chăn dê.
Anh Danzeng cũng là người mồ côi. Vì thế, anh coi mình như anh trai của cô. Em thường đặt cằm mình lên trên hai đầu gối của anh trong những buổi chiều anh trở về túp lều cũ nát của mình bên sông, lắng nghe anh kể chuyện bên ngọn đèn dầu thầu dầu mù mờ “... Eairy Lama chờ đợi mòn mỏi trong rừng. Cuối cùng chàng cưỡi ngựa trắng, mặc áo choàng đi tới...”. Em chìm vào giấc ngủ. Đến nửa đêm, anh nhẹ nhàng ẵm em lên giường.
Dân làng phải ăn tối nhanh vì có tiếng kẻng gọi họ đến một căn phòng rộng để nghe thư ký của Đảng nói chuyện chính trị cho tới khuya, lưng và chân họ đau nhói.
Cô bé gối đầu trên vai anh và ngủ. Khi mọi người ra về, anh đưa cô bé về túp lều.
Cuộc sống ở làng đơn điệu, tẻ nhạt như các cuộc meeting, nhưng thi thoảng có những tình yêu và những người trẻ khuấy động. Người trẻ thường nấp trong các đống rơm hoặc cánh đồng để vui chơi hoặc có khi họ đùa giỡn dưới ánh mặt trời.
Bọn trẻ nắm cánh tay anh chống bè hỏi “Khi nào anh có vợ hiền pha trà cho anh?”
“Người phụ nữ của tôi còn trẻ lắm, như con chim chưa biết bay”, anh trả lời.
“Nhưng đó là ai? Và khi nào chỉ biết bay?”
Trước khi anh lái bè trả lời, đôi mắt của người anh mến cô bé sáng lên lấp lánh, ngực phập phồng, khuôn mặt ửng đỏ. Một ngày nọ, ông chủ quán đi bè qua sông. Ông ta vui, túi đầy tiền, mắt đỏ ngầu vì rượu.
“Tốt lắm! Mọi việc đã xong!”, ông già cười nói.
“Cháu chưa thấy bác vui đã nhiều thời đại!”
“Đó là một gia đình tốt! Ai cũng khỏe mạnh. Họ muốn cưới Dolma. Tôi cũng đồng tình. Tôi còn cần gì nữa chứ?”
“Dolma sắp lấy chồng sao?”
“Đúng vậy! Sao chiếc bè xoay tròn thế này?”
Em khóc trong ngày cưới mà không biết lý do, như nhiều cô gái khác khi lấy chồng. Tuy nhiên, gương mặt em rạng rỡ, vì bên kia sông là đất thánh của em. Em đã sống 17 năm ở ngôi làng nghèo khổ này và hơn hết, người đàn ông một mắt đã tìm được cho em một gia đình giàu có. Có thể mình sẽ là người đưa em sang sông và em sẽ đi mãi mãi, người chống bè nghĩ.
Em không phải là cô gái duy nhất sang ngang bằng chiếc bè của anh. Đã có rất nhiều cô gái sang ngang bằng chiếc bè. Mỗi lần như vậy, các chàng trai đứng chụm hai, chụm ba dưới gốc cây đa, buồn bã, vô vọng nhìn chiếc bè sang sông.
Tại sao các cô gái lại sang sông lấy chồng, dù các chàng trai trong làng làm lụng rất chí thú?
Dù đã có chồng nhưng những gì em có thật giản dị, ngoại trừ quần áo mới, lần đầu tiên em có. Chỉ có em và người đàn ông một mắt đi bè qua sông, mang theo đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, chiếc khăn trùm chàng trai chống bè mua tặng em một năm trước vẫn đang được trùm trên đầu và vẫn còn xanh màu.
Em ậm ừ hát. Em rất vô tư.
“Anh Danzeng”, em hỏi.
“Cái gì sáng ban đêm bên kia sông vậy? Đèn điện hả anh?”
“Đúng vậy”
“Đèn được treo trong nhà?”
“Đúng”
“Có phải là nhờ ánh điện mà người ta thấy được lỗ kim?”
“Em thôi nói đi!”, người chống bè nói, mặt nhăn nhó, răng nghiến lại.
Người đàn ông một mắt nhìn anh đồng tình.
Em sợ sệt. Em không hiểu sao anh ấy lại như thế. Em rất vô tư.
Khi bè cập bến, xe ngựa và nhiều người lạ đang đứng đón cô gái và người đàn ông. Họ sẽ phải đi nhiều dặm để tới một ngôi làng bên kia núi. Xe ngựa lục cục lăn bánh, em khóc nghẹn ngào. Em mở khăn trùm đầu ra và thổn thức nói, “Nếu có thể, mong anh đến thăm em, anh Danzeng!”
Chàng trai chống bè đứng dưới rặng liễu, chống người lên trên mái chèo. Anh lắc đầu và nheo mắt.
“Đừng quên anh!”, anh hớn hở nói.
Sau đó, anh lảng tránh mọi người. Mỗi lần sang sông, anh nhìn về ngọn núi xa; có khi anh kéo quần lên lội qua sông, để lại vết chân trên cát, nơi sâu, nơi nông; có khi anh chèo bè xuôi dòng.
Sau nhiều tháng, anh thấy cô đợi mình ở bên sông.
“Em ghét anh”, cô gái buộc tội “Anh không bao giờ thăm em”. Tóc em lõa xõa trên trán, quần áo xộc xệch, khăn trùm đầu không còn.
“Em là của anh ta. Mỗi sợi tóc cũng thuộc về anh ta. Anh không thể đến được”.
“Nhưng anh ta là kẻ nghiện rượu và đánh đập em dữ dằn”
“Đồ bẩn thỉu”, anh nghiến răng nói.
“Sao anh không cưới em?”, cô thì thào.
“Anh có gia đình và tiền bạc không? Anh chỉ có da bọc xương”. Anh mím môi lại, nhìn khách lên bè.
Cô lấy từ trong áo ngực ra một miếng bơ mềm, màu vàng gói trong rau diếp cá và trao cho anh. “Anh gầy quá. Món này khó kiếm ở đây đó”.
“Em đừng về nữa, Dolma!”
“Em ước em được về thường xuyên”, cô thở dài nói.
Dân làng không còn cày xới trên các triền đồi khô cằn nữa. Họ tiếp tục theo đuổi nghề cũ là làm gốm, hái nấm và chữa bệnh bằng thuốc nam. Nghề gốm và các nghề phụ khác giúp cho cuộc sống ở làng được bận rộn. Người trẻ hẹn hò dưới gốc đa về đêm và bên ánh sáng đom đóm, họ say mê nhảy duixie.
Làng không còn nghèo nữa.
Người chống bè đưa sản phẩm qua sông mỗi ngày và mang về nhiều hàng hóa thiết yếu. Anh thường ngồi trên bờ sông, chìm đắm trong suy tư, mắt nhìn ánh đèn lập lờ bên kia sông. Dòng sông ban đêm tù mù, ngưng đọng nhưng ven bờ có những xoáy nước rầm rì. Chúng là dấu hiệu của sự sống. Anh ngồi đó, dưới ánh trăng mờ, nhìn bóng mình.
Người ta đang nói về cô ấy? Cô ấy bây giờ ở đâu? Ai đó nói cô đã lên thị trấn và trước khi đi, cô ngồi một mình dưới rặng liễu suốt đêm, tay bó gối. Chỉ có người chống bè là hiểu được lý do.
Hai năm nữa trôi qua. Đời tốt đẹp hơn nên chàng trai chống bè đã mua được thuyền máy. Mùa đông, anh chở đồ gốm được gói bọc bằng cỏ khô và nấm, thuốc nam sang sông. Nước đóng băng dọc hai bên thuyền bị vỡ ra thành từng mảnh và bị cuốn đi ở phía đuôi thuyền.
Dolma ngồi yên lặng trên chiếc xe kéo, dõi nhìn chiếc thuyền máy đang đi tới. Chỉ có hai người trên bến. Họ nhìn nhau như hai người lạ.
“Em lái xe kéo được mà”
“Sao tóc em rối thế?”, anh hỏi.
“Còn anh thì đã có thuyền máy”, cô đáp. “Sao râu anh dài thế?”
Gió lùa vào miệng họ. Cả hai cười cay đắng.
“Anh đi làm đi”, cô thúc giục, tay che miệng lại cho ấm. Cả hai không nói gì khi làm việc. Họ thấy có nhiều điều muốn nói và đã nói hết. Họ thường gặp nhau như lần này.
Khi thời tiết ấm hơn, liễu nảy chồi và ra lá. Một sáng mùa hè, chàng trai trẻ không thấy xe kéo trên bến. Anh nhìn quanh, chẳng thấy gì ngoài vài bụi cây đong đưa trong gió nhẹ. Anh dở hàng xuống, xếp cẩn thận trên bến, sau đó ngồi xuống lấy một nhành cây vẽ nguệch ngoạc trên mặt đất. Dolma, Dolma, Dolma - chỉ có tên cô gái được viết trên cát vàng, không còn gì khác.
Cô xuất hiện trên bến. Cô ngồi bó gối. “Chiếc xe kéo đã trở chứng”, cô hít sâu vào để lấy hơi, trước khi xuống sông rửa mặt.
Anh đứng dậy, đi theo cô đến chỗ chiếc xe kéo hỏng, bộ đồ nghề nắm trong tay.
Lũ dê đã đi xa qua triền núi. Có thể còn nghe được tiếng kêu của chúng. Bọn chúng đang đi đến đâu?
Khi đi đến triền núi, anh thấy chiếc xe kéo nằm ngả nghiêng trên cát, như một con bò đực bị thương, các bao tải nằm vương vãi khắp nơi. Với sự giúp đỡ của cô gái, anh đẩy chiếc xe ra khỏi lối mòn, và làm cho nó đứng thẳng dậy. Dolma khởi động máy. Không có trục trặc gì, chỉ là do hết xăng. Khi cô gái xuống sông lấy nước, Danzeng kéo xe kéo đi.
Cả hai mất hai giờ để cuối cùng làm cho chiếc xe hoạt động trở lại. Anh nằm mơ màng trên bãi cát. Có hương thơm trong gió. Cô gái quỳ xuống bên anh, lau mồ hôi cho anh bằng khăn quàng cổ của mình. Anh nhìn vào chiếc khăn dù đã bạc màu và chắp vá, nhưng vẫn còn sáng tươi.
“Em chắc mua chiếc xe đã quá cũ”, anh nói, mặt quay đi chỗ khác.
“Anh ta có cho em một chiếc nhưng em đã làm hỏng”
“Em nói đùa đó!”
“Không! Anh không biết gì hết”
Ngực anh đập thình thịch. Anh ôm vai Dolma, quay cô sang phía mình và nói trìu mến, “Em nghe này! Em đã hủy hoại đời anh”.
“Không! Đừng như vậy! Có người quanh đây!”
Cô đứng dậy, vuốt tóc và nói, “Đi anh, chúng ta bị trễ rồi”.
Anh ngồi bên cô khi cô điệu nghệ điều khiển chiếc xe kéo đi dọc con đường gập ghềnh, vai họ sánh với nhau.
“Sao xe bị lật vậy em?”, anh hỏi.
“Vì có một con heo trên đường. Em thì không muốn trễ. Thôi, em không thể giải thích”, cô bỗng giận dỗi. “Em có thể làm được gì? Đừng đổ lỗi cho em. Anh để ý em, sao anh không cưới em. Em vô tội. Những gì em muốn là ra đi, nhìn ngắm chợ búa, các chiếc xe kéo và đèn điện. Em ra đi vì tất cả các cô gái đều sang sông lấy chồng. Anh nhẫn tâm quá!”
Cô quay mặt thổn thức và bắt đầu đấm vào ngực anh.
“Nhìn kìa em!”, anh nói to. Chiếc xe kéo lại gần như bị lật. Sau đó, cả hai im lặng. Anh tự nhủ. “Hay là mình có lỗi?”
Cô liếc nhìn anh, sau đó, đưa cho anh một chiếc khăn. “Anh lau mồ hôi đi!” Anh cầm chiếc khăn. Nó có mùi cỏ, mùi xăng và hương thơm của cô.
Đã đến lúc chia tay nhưng không ai muốn nói chia tay trước.
“Em đi trước đi”, anh giục.
“Không, anh đi trước”
“Không”, anh khăng khăng.
“Gia đình em sẽ lo lắng”
Cô hả miệng nhưng không nói gì. Khi tiếng xe kéo lại vang lên, cô quay sang anh và ủy mị nói, “Anh ta chết vì rượu đã 3 năm rồi!”
Chiếc xe kéo chạy đi như kẻ say.
Anh muốn khóc nhưng nghẹn họng. Anh muốn lau nước mắt nhưng không có nước mắt rơi. Tất cả những gì anh có thể làm là vẫy tay.
Sáng đó trời đẹp. Không có gió trên sông. Thuyền anh lướt trôi theo sự điều khiển bánh lái của anh. Mắt anh nhìn ra xa và anh thì thào, “Anh sẽ đến cưới em!”
Anh nhảy ra khỏi thuyền trước khi nó được neo chặt. Có một cô gái lạ, xinh đẹp, với khuôn mặt vô tư liếc anh và nói, “Cô ấy đã đi rồi. Tôi sẽ thế cô ấy. Tôi ở đây đã hơn 2 giờ rồi”.
Anh đứng bối rối ở đó.
“Có chuyện gì vậy anh? Anh bực dọc à? Cô ấy đã đi xe ca tới Lhasa”
“Em nói láo”. Anh không tin cô gái nói.
“Tôi thề. Dolma giờ là công nhân. Anh có bao giờ đi lại bằng xe ca không?”
“Chưa”. Anh lắc đầu.
“Tôi cũng vậy. Anh có vẻ đang yêu cô ấy. Ai đó cũng đang yêu tôi”
“Cô ấy có nói gì trước khi đi không?”
“Không. Cô chỉ nói là sẽ trở về lại làng”.
Làng của cô! Anh nheo mắt và nhìn lại. Làng anh dưới chân núi, bên này sông, nhìn như một chấm trắng nhảy nhẹ nhàng trong sương mù, như trong cổ tích. Đó cũng là làng của cô ấy. “Sông rộng làm sao!”, cô gái lạ thốt lên, mắt nhìn anh.
Dòng sông xưa vẫn chảy trôi dưới ánh mặt trời chói chang.
T.N.H.T dịch từ tiếng Anh, tại http://w.w.w. Words
Without borders.brf / article / over - the - river
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét