Vợ chồng tôi dời về con hẻm này gần mười năm. Nhà tôi ở đầu hẻm sát với căn nhà mặt tiền, bên đối diện là tiệm phở và Nhà Văn hóa phường. Con hẻm rộng đủ cho hai chiếc xe con tránh nhau được. Nhà lại gần chợ, nhà thương lớn, nhà trẻ, trường tiểu học. Nói chung là thuận lợi cho sinh hoạt của người làm giáo viên, công chức như vợ chồng tôi. Hồi mới lấy nhau ông xã tôi vốn là kỹ sư điện nên thường phải bươn chải theo mạng lưới điện ngày càng mở rộng đến những vùng sâu, vùng xa. Một mình tôi vừa phải nuôi con mọn vừa phải đeo bám trường lớp nên khá vất vả. Nếu không yêu nghề chắc tôi đã bỏ dạy từ lâu. Thật ra, ngoài nghề dạy học, tôi cũng không biết mình có thể làm việc gì khác.
Cuộc sống ở đây thật bình yên nếu không có gia đình cư ngụ ở căn phố mặt tiền đối diện, căn nhà duy nhất còn lợp ngói vảy, gác gỗ cũ kỹ. Nghe nói căn nhà được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước, nguyên là một tiệm hủ tíu rất đắt khách. Tiệm dẹp từ khi ông bà chủ chết trước khi vợ chồng tôi dời nhà về. Thừa kế là ba người con gái và một ông con trai út độc thân, nửa tỉnh nửa khùng. Mấy bà chị cũng không khá hơn, hai người góa chồng và một cô ế chồng. Phần mặt tiền cho thuê mở cửa hàng bán văn hóa phẩm Phật giáo, phần phía sau dành cho bà chị lớn bán gạo, bếp núc; căn gác gỗ là chỗ ngủ cho cả nhà và là chiến trường cho những cuộc chửi nhau, ẩu đả nhau tư mùa tám tiết. Trong bao nhiêu năm tổ dân phố họp bàn liên miên mà cũng không cải thiện được tình hình “mất đoàn kết” ấy, nhiều lần phản ánh lên phường để cầu cứu cũng không hiệu
quả. Chị em nhà đó hét la át cả tiếng loa ở Nhà Văn hóa cạnh đó. Vì vậy, văn hóa và vô văn hóa lâu ngày “cùng tồn tại hòa bình”. Các tượng Phật, tượng Bồ tát ở cửa hàng phía trước không biết có nghe tiếng thế âm từ cõi ta bà phía sau vọng tới không và cả tiếng tụng kinh từ băng ghi âm không biết có làm giảm đi sự sân si của đám chúng sinh đau khổ ấy chút nào không. Dân cư trong hẻm cũng quen dần tiếng cãi vã, chửi la như quen với tiếng còi hơi xe tải ngày đêm chạy ngoài đường lớn phía trước vậy. Con người vốn có bản năng thích nghi để tồn tại mà. Khổ nỗi, phòng ngủ của vợ chồng tôi chỉ cách bãi chiến trường ấy khoảng sáu mét nên luôn bị đạn lạc, miểng văng. Có khi nửa đêm phải thức giấc vì tiếng tru tréo như cháy nhà. Lớn tiếng nhất là bà chị cả, thường gọi là bà Tư gạo. Nghe nói bả bị chồng bỏ mấy chục năm rồi. Đứa con trai theo cha, nay đã ngoài ba mươi, thỉnh thoảng ghé qua thăm mẹ. Cứ mỗi lần thấy mặt con là bà Tư gạo lại réo tên chồng cũ ra chửi. Cậu con ngồi chưa ấm đít đã tìm đường xéo, thế mà tiếng tru tréo của bà ta vẫn tiếp tục, ai có cố tình nghe thử cũng không hiểu bà ta nói gì.
Trong vài năm gần đây, lưng bà Tư gạo còng như con tép luộc, ốm nhách như con khô cá lưỡi bò và tiếng chửi la cũng giảm dần âm lượng. Không sớm thì muộn bả sẽ hụt hơi, mất giọng. Có lẽ bả bị trời hành. Không chỉ có thế, trời còn hành bả chuyện khác nữa. Không biết kiếp trước của bả chuyên xả rác ngoài đường, nơi công cộng nên kiếp nầy bả không rời cây chổi quét con hẻm ngày mấy lượt, từ sáng tinh mơ đến chiều tối.
Nắng thì dùng chổi đót, mưa thì chổi chà. Rác gom vào mấy túi nhựa dồn lại để bên chân tường. Khi trời khô ráo bà còn bưng xô nước ra tưới để chống bụi. Nhiều lần nước tóe lên cả những người cưỡi xe gắn máy vọt qua, còn người đi bộ thì vội dừng bước, tránh chỗ cho bả làm việc. Vì đã quen chịu trận nên những nạn nhân chỉ kêu “ới”, cằn nhằn mấy tiếng rồi đi luôn, không ai buồn dừng lại cự nự.
Bà Tư gạo không chỉ quét trước mặt tiền, bên hông nhà mình mà còn mở rộng diện tảo thanh qua các nhà khác. Không những thế, chực thấy ai xả rác, bả liền chạy tới thu gom ngay, miệng lầm bầm gì đó không nghe được. Nghe nói lúc trước bả to tiếng chửi, bị mấy bà mồm loa mép giải đòi vả miệng nên về sau bả không dám chửi nữa. Nghĩ cũng tội, người làm việc có ích cho cộng đồng mà không được bảo vệ gì cả. Không biết những công nhân vệ sinh mỗi sáng đẩy xe qua hẻm sạch trơn có ghi nhận thành tích của bà Tư không. Trong các cuộc họp tổ dân phố cũng không thấy ai lên tiếng biểu dương thành tích của bả mà chỉ nghe toàn lời than phiền việc bả mở loa phóng thanh miệng làm phiền hàng xóm cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi. Đối xử với bà Tư như vậy thực chẳng công bằng chút nào. Riêng tôi, thú thật tôi càng chẳng ưa gì bà Tư vì cứ thấy tôi cầm chổi ra quét trước nhà là bả xuất hiện, theo dõi, dường như bả không tin tưởng khả năng quét tước của tôi hoặc không muốn tôi giành công việc độc quyền của bả. Bả luôn tìm cớ gây sự, khi thì nhắc tôi phải hốt sạch cát, khi thì than phiền lá cây từ trên lầu nhà tôi rơi xuống, có lần bả còn leo thang bảo tôi không nên trồng cây kiểng nữa. Khùng đến thế thì tôi chỉ biết đánh tiếng làm thinh. Đã thế thì tôi làm cho bõ ghét, ngày nào tôi cũng dậy sớm quét trước để bả không còn gì để quét. Tôi cũng mở rộng diện tích quét, và thỏa thuận với bả lấy đường trung tuyến của hẻm làm ranh giới. Tôi tuyên bố: “Chị quét bên chị, tôi quét phía tôi”. Hẳn là bả không bằng lòng nhưng cũng không thể cãi được. Cuộc cạnh tranh giữa tôi và bà Tư xuất hiện nhân tố mới khiến phần thắng nghiêng hẳn về phía tôi. Mùa mưa năm ngoái, có trận mưa lớn, nước ngập con hẻm, tràn cả vào tầng trệt nhà tôi. Hôm đó may có ông xã tôi ở nhà. Ảnh là kỹ sư điện nhưng lại có năng khiếu bẩm sinh về cấp thoát nước nên sớm phát hiện ra nước ngập do các miệng cống trong hẻm bị nghẹt. Ảnh đi mượn cây xà beng về hì hục cạy nắp cống để thông khe thoát nước. Chẳng bao lâu nước rút hết, mặt hẻm vương vãi rác rến đủ loại. Hai vợ chồng thừa thắng xông lên xách chổi chà ra quét, hốt rác, rồi lấy xô xách nước ra rửa sạch bùn. Lúc đầu bà Tư đứng trong cửa nhìn ra, sau đó bả cũng xách chổi, xách xô ra “chia lửa” với vợ chồng tôi. Một cuộc cộng tác bất đắc dĩ nhưng hiệu quả. Những nhà khác thấy vậy cũng xúm ra dọn dẹp trước nhà mình. Từ ấy thành thông lệ, mỗi khi có nước ngập, cả con hẻm cùng ra quân mà không cầntổ dân phố hay Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ra nghị quyết. Cũng từ ấy, tôi để ý thấy bà Tư lại cố tình quét luôn phần lãnh thổ của tôi khi trời còn tối mịt, đến sáng tôi xách chổi ra thì không còn gì để quét. Không biết đó là việc làm thiện chí hay lại muốn độc quyền nhưng tôi dại gì phản đối. Cũng từ ấy tôi thấy bả nhìn tôi có vẻ thân thiện hơn trước. Đáp lại, tôi mua gạo của bả thay vì đặt mua của cửa hàng ngoài chợ. Dầu sao cũng tình làng nghĩa xóm… Tôi đem việc ấy nói với ông xã. Ảnh không bình luận gì, chỉ kể cho tôi câu chuyện sau đây - đương nhiên cũng là chuyện quét rác. Chuyện kể rằng… Có một ông cụ nọ cũng có thói quen quét rác trong hẻm như bà Tư gạo. Một hôm ổng vừa quét xong thì có một thanh niên dừng lại, móc thuốc ra hút, xong ném bao thuốc rỗng xuống đất ngay trước mặt ông. Ông lão ngứa mắt bảo: “Chú kia, chú không thấy tôi vừa quét xong hả? Chú nhặt bao thuốc lên ngay đi”. Anh thanh niên tỉnh bơ: “Đường hẻm là của chung, tôi đâu vứt rác vào nhà ông đâu…”. Nói xong, hắn quay lưng bỏ đi. Ông lão nổi giận, xách chổi đứng chắn lối đi của hắn, quát: “Chú con cái nhà ai mà ăn nói mất dạy thế hả…”. Gã thanh niên cũng xửng cồ, đáp: “Ông là người lớn, sao ăn nói hồ đồ vậy. Không nể ông là người có tuổi tôi sẽ cho ông biết thế nào là lễ độ…”.
Bà con lối xóm thấy vậy xúm lại can… Một lần khác, gã thanh niên kia đến một sân chùa trong lúc một nhà sư đang quét rác. Vẫn với thói quen cũ, hắn ta ném vỏ chai nước lọc ngay chỗ nhà sư vừa quét xong. Thấy vậy, nhà sư quay lại lặng lẽ nhặt chai nước mà không để ý gì đến kẻ vừa xả rác. Gã thanh niên ngạc nhiên vì cứ ngỡ mình sẽ bị nhà sư cự như cụ già nọ… Hắn bỏ đi nhưng vẫn cứ thắc mắc tại sao nhà sư lại bỏ qua cho hắn, nên mấy ngày sau hắn quay lại chùa, tìm nhà sư để hỏi. Nhà sư thản nhiên nói với hắn: “Thí chủ quan tâm làm gì chuyện nhỏ ấy. Khi nhặt rác tôi cũng chẳng quan tâm rác do ai xả, do đâu mà có bởi người xả cũng chẳng khác gì cây bồ đề kia rụng lá, như con chim kia bay qua ỉa phân xuống. Có sân thì ắt phải có rác. Mà nói rộng ra, cả cuộc đời hay mỗi con người đều có rác. Ngay cả máy tính cũng cần thùng rác kia mà… Chúng ta ai cũng nên là người quét rác, trước hết là rác trong chính mình…”.
Theo lời của nhà sư, có lẽ bà Tư gạo rồi sẽ tu thành chánh quả nếu bả cũng quét rác trong lòng mình chăm chỉ như quét rác trong hẻm. Đâu cần phải vô chùa, ở đâu chẳng tu được. “Cư trần lạc đạo” là thế.
04.8.2017
N.T
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét