Anton Chekhov tên đầy đủ là Anton Pavlovich Chekhov (1860-1904) là một nhà văn kiệt xuất người Nga. Ông được tôn vinh là một trong những nhà viết kịch hay nhất mọi thời đại và là bậc thầy của truyện ngắn hiện đại. Về sự nghiệp văn học của mình, ban đầu ông viết truyện ngắn để kiếm sống nhưng sau này, ông lại tập trung hơn vào giá trị nghệ thuật và có những cách tân táo bạo trong phong cách viết, góp phần định hình truyện ngắn hiện đại. Ông không ngại tạo ra những khó khăn cho người đọc, tin rằng vai trò của nghệ sĩ là đặt ra câu hỏi, chứ không phải đưa ra câu trả lời.
Các vở kịch và truyện ngắn hay nhất của ông không có cốt truyện phức tạp. Khi viết kịch, ông được biết đến với kỹ thuật “khẩu súng của Chekhov”, khẳng định rằng mọi yếu tố được đưa vào truyện đều cần thiết cho cốt truyệt và ông thường minh hoạ nguyên tắc này bằng cách sử dụng súng như một ví dụ về một yếu tố cần thiết.
Mặc dù Chekhov được biết đến chủ yếu với các vở kịch nhưng theo một số nhà phê bình, truyện ngắn của ông – đặc biệt những truyện được viết sau năm 1888 – thậm chí còn là một thành tựu văn học sáng tạo và quan trọng hơn.
Tờ vé số
Đan Ngọc dịch
Ivan Dmitritch, một người đàn ông thuộc tầng lớp trung lưu sống cùng gia đình với mức thu nhập 1200 rúp một năm và rất hài lòng với cuộc sống của mình, ngồi xuống ghế sofa sau bữa tối và bắt đầu đọc báo.
"Hôm nay em quên xem báo rồi," vợ anh nói khi đang dọn dẹp bàn ăn. "Anh xem thử có kết quả xổ số không?"
"Có đấy," Ivan Dmitritch đáp, "nhưng vé số của em hết hạn chưa?"
"Chưa, em mới mua hôm thứ ba."
"Số nào?"
"Dãy 9499, số 26."
"Được rồi... xem nào... 9499 và 26."
Ivan Dmitritch vốn không có niềm tin vào may mắn trúng số, và thường thì anh sẽ không bao giờ xem kết quả xổ số, nhưng lúc này, vì không có gì khác để làm còn tờ báo lại đang ở trước mặt, anh lướt ngón tay xuống cột các con số. Ngay lập tức, như bỡn cợt sự hoài nghi của anh, không xa hơn dòng thứ hai từ trên xuống, con số 9499 lọt vào mắt anh! Không thể tin vào mắt mình, anh vội vàng đặt tờ báo lên đầu gối mà không nhìn tiếp con số trên vé, và như thể ai đó vừa dội cho anh một gáo nước lạnh, anh cảm thấy có một cơn ớn lạnh dễ chịu trong ổ bụng; rùng mình, hoảng loạn và ngọt ngào!
"Masha, có 9499!" anh nói với giọng run rẩy.
Vợ anh quay sang nhìn khuôn mặt vừa ngạc nhiên vừa hoảng sợ của anh, và nhận ra anh không nói đùa.
"9499?" cô hỏi, mặt tái đi và làm rơi chiếc khăn trải bàn đã gấp trên bàn.
"Ừ, ừ... đúng là nó!"
"Còn số trên vé thì sao?"
"Ồ đúng rồi! Cũng có số vé ở đây. Nhưng, đợi... đợi đã! Không, ý anh là! Dù sao, dãy số của mình cũng có ở đây rồi! Dù sao, em hiểu mà..."
Nhìn vợ, Ivan Dmitritch ngoác miệng cười, vô tri, như một đứa trẻ khi được cho xem một vật phát sáng. Vợ anh cũng cười; với cô, mới chỉ nghe anh nhắc tới dãy số và chưa cần dò tiếp số của tờ vé trúng thưởng, cô cũng cảm thấy sung sướng như anh. Dày vò và trêu ngươi ai đó bằng hy vọng về một gia tài thật ngọt ngào, thật hồi hộp!
"Đó là dãy số của chúng ta," Ivan Dmitritch nói, sau một hồi im lặng dài. "Vậy là có khả năng chúng ta đã trúng. Nó chỉ là một khả năng, nhưng rất có thể!"
"Thế, giờ xem đi!"
"Đợi một chút. Chúng ta có vô số thời gian để thất vọng. Nó ở trên dòng thứ hai từ trên xuống, vì vậy giải thưởng là bảy mươi lăm nghìn. Đó không phải tiền, mà là sức mạnh, là vốn! Và chỉ trong một phút nữa, anh sẽ xem kết quả, và 26! Mà…? Xem nào, nếu chúng ta thực sự trúng thì sao?"
Hai vợ chồng bắt đầu cười và nhìn chằm chằm vào nhau trong im lặng. Khả năng trúng số khiến họ bối rối; họ không thể nói cũng không thể mơ mộng được cả hai sẽ dùng bảy mươi lăm nghìn đó để làm gì, họ sẽ mua gì, đi đâu. Họ chỉ nghĩ đến các con số 9499 và 75.000 và hình dung chúng trong tưởng tượng, trong khi đó họ lại không thể nghĩ gì đến sự hạnh phúc mà tự nó vốn đã có thể có.
Ivan Dmitritch cầm tờ báo trên tay, đi qua đi lại từ góc này sang góc khác, và chỉ đến khi bình tĩnh lại sau sự choáng ngợp ban đầu, anh mới bắt đầu mơ mộng một chút.
“Nếu chúng ta trúng số,” anh nói, “thì, sẽ là một cuộc sống mới, một sự biến đổi! Tờ vé số là của em, nhưng nếu là của anh thì trước hết, dĩ nhiên, anh sẽ chi 25.000 rúp để mua một trang trại; 10.000 rúp cho các chi phí cần thiết, nội thất mới... đi du lịch... trả nợ, v.v... 40.000 rúp còn lại, anh sẽ gửi ngân hàng và lấy lãi.”
“Đúng vậy, một trang trại, nghe hay đấy,” vợ anh nói, ngồi xuống và gác tay lên đùi.
“Một mảnh nào đó ở tỉnh Tula hoặc Oryol... Đầu tiên là, chúng ta không cần một ngôi nhà để nghỉ mát vào mùa hè, và ngoài ra, nó mang lại thêm một nguồn thu nhập.”
Và những bức tranh ùa vào trí tưởng tượng của anh, bức sau lại duyên dáng và thi vị hơn bức trước. Và trong tất cả những bức tranh ấy, anh thấy mình được ăn uống đầy đủ, thanh thản, khỏe mạnh, cảm thấy ấm áp, thậm chí hơi nóng nực! Ở đây, sau khi ăn món súp mùa hè, mát lạnh như đá, anh nằm ngửa trên bãi cát nóng bỏng ngay gần một dòng suối hoặc trong vườn dưới gốc một cây chanh... Trời khá nóng... Cậu con trai và con gái nhỏ đang bò xung quanh chỗ anh, đào cát hoặc bắt bọ rùa trên cỏ. Anh thiu thiu ngủ một cách ngọt ngào, không nghĩ ngợi gì, và hoàn toàn thấy không cần phải tới chỗ làm hôm nay, ngày mai, hay ngày kia. Hoặc, nằm chán, anh đi ra đồng cỏ khô, hoặc vào rừng hái nấm, hoặc xem nông dân đánh cá bằng lưới. Khi mặt trời lặn, anh mang theo một chiếc khăn tắm và miếng xà phòng, thong thả đi vào khu tắm, từ từ cởi đồ, chậm rãi xoa ngực trần bằng bàn tay, và bước xuống nước. Và ở bên dưới mặt nước, gần những vòng tròn bong bóng xà phòng mờ ảo, những con cá nhỏ đang bơi lội tung tăng và những cây rong biển xanh thì gật gà gật gù. Sau khi tắm, có trà với kem và bánh mì cuộn sữa... Buổi tối, anh sẽ đi dạo hoặc uống rượu vang với hàng xóm.
“Đúng vậy, mua một trang trại sẽ rất tuyệt,” vợ anh nói, cũng đang mơ mộng, và trên khuôn mặt thể hiện rõ cô đang phê pha bởi những suy nghĩ của mình.
Ivan Dmitritch hình dung mùa thu với những cơn mưa, những buổi chiều lạnh giá và mùa hè Thánh Martin. Vào mùa này, anh phải đi bộ lâu hơn quanh vườn và ven sông để cảm nhận cái lạnh thấu xương, sau đó uống một ly rượu vodka lớn và ăn một miếng nấm muối hoặc dưa chuột muối, rồi… lại uống thêm một ly nữa… Lũ trẻ sẽ chạy từ vườn rau đến, mang theo một củ cà rốt và một củ cải ngập mùi đất tươi… Và sau đó, anh sẽ nằm dài trên ghế sofa, thong thả lật giở các trang của một tạp chí nhiều hình ảnh, hoặc, úp nó lên mặt và cởi nút áo gi-le, chìm vào giấc ngủ.
Sau đó là mùa hè Thánh Martin với thời tiết u ám, ảm đạm. Trời mưa cả ngày lẫn đêm, những cành cây trơ trụi rỉ nước, gió ẩm và lạnh. Chó, ngựa, gà - tất cả đều ướt nhẹp, uể oải, ủ rũ. Chẳng có chỗ nào để đi dạo; chẳng ai có thể đi chơi vài ngày cùng nhau; mọi người chỉ có thể đi lại trong phòng rồi nhìn ra ngoài cửa sổ xám xịt một cách buồn chán. Thật u ám!
Ivan Dmitritch dừng lại và nhìn vợ.
“Anh sẽ đi nước ngoài, Masha,” anh nói.
Và anh bắt đầu nghĩ sẽ tuyệt vời biết bao nếu vào cuối thu, được đi nước ngoài, đến một nơi nào đó ở miền Nam nước Pháp... Ý... Ấn Độ!
“Chắc chắn em cũng sẽ đi nước ngoài,” vợ anh nói. “Nhưng hãy xem số vé!”
“Đợi đã, đợi đã!...”
Anh ta đi lại trong phòng và tiếp tục suy nghĩ. Anh chợt nghĩ: nếu vợ anh thực sự đi nước ngoài thì sao? Đi du lịch một mình hoặc đi cùng với những người phụ nữ phóng khoáng, vô tư sống cho hiện tại sẽ thú vị hơn, chứ không phải kiểu người suốt chuyến đi chỉ nghĩ và nói về con cái, thở dài và sốt ruột vì lo lắng từng xu. Ivan Dmitritch hình dung vợ mình trên tàu hỏa với vô số gói đồ, giỏ xách và túi; cô ấy thở dài vì điều gì đó, phàn nàn rằng tàu hỏa khiến cô đau đầu, rằng cô đã tiêu quá nhiều tiền... Tại các ga tàu, anh sẽ liên tục phải chạy đi lấy nước nóng, bánh mì và bơ... Cô ấy sẽ không ăn tối vì nó quá đắt...
“Cô sẽ tính toán từng xu với anh,” anh nghĩ, liếc nhìn vợ. “Vé số là của cô ấy, không phải của mình! Hơn nữa, việc gì cô ấy phải đi nước ngoài? Cô ấy muốn gì ở đó? Cô ấy sẽ nhốt mình trong khách sạn, và không cho mình rời khỏi tầm mắt cô ấy... Mình biết rồi!”
Và lần đầu tiên trong đời, anh nhận ra vợ mình đã già và nhợt nhạt, người cô ấy còn đẫm mùi nấu nướng, trong khi anh vẫn trẻ trung, tươi mới và khỏe mạnh, và hoàn toàn có thể kết hôn lần nữa.
“Tất nhiên, tất cả những điều đó đều là ngớ ngẩn,” anh nghĩ; “nhưng... tại sao cô ấy phải đi nước ngoài? Cô ấy sẽ làm gì ở đó? Thế nhưng, cô ấy chắc chắn sẽ đi... Mình có thể hình dung... Thực tế thì đối với cô ấy, việc đó chẳng khác gì Naples hay Klin. Cô ấy sẽ chỉ cản đường mình. Mình sẽ phụ thuộc vào cô ấy. Mình có thể hình dung, một người phụ nữ bình thường sẽ khóa chặt tiền ngay khi nhận được nó... Cô ấy sẽ lo cho họ hàng và tính toán từng xu với mình.”
Ivan Dmitritch nghĩ đến những người họ hàng của vợ. Tất cả những anh chị em, dì dượng nghèo khổ đó sẽ lũ lượt kéo đến ngay khi hay tin về chiếc vé số trúng thưởng, họ bắt đầu rên rỉ như những kẻ ăn xin, và nịnh bợ bằng những nụ cười giả tạo, đầy dầu mỡ. Kiểu người đáng ghét, đáng khinh! Nếu họ được cho thứ gì, họ sẽ đòi thêm; còn nếu bị từ chối, họ sẽ nguyền rủa, vu khống và mong mọi điều bất hạnh sẽ giáng xuống vợ chồng anh.
Ivan Dmitritch nhớ lại những người họ hàng của mình, và khuôn mặt của họ, mà trước đây anh đã nhìn một cách vô tư, giờ đây lại hiện lên trong anh với vẻ ghê tởm và đáng ghét.
"Họ đúng là những loài bò sát!" anh nghĩ.
Và khuôn mặt của vợ anh cũng hiện lên trong anh với vẻ ghê tởm, đáng ghét. Cơn giận dữ với vợ dâng lên trong lòng anh, và anh ta nghĩ xấu về vợ:
"Cô ta chẳng biết gì về tiền bạc, nên mới keo kiệt. Nếu cô ta trúng thì sẽ chỉ đưa cho mình một trăm rúp, rồi cất phần còn lại đi và giấu kỹ."
Anh nhìn vợ mình, không còn mỉm cười nữa mà là hằn học. Cô cũng liếc nhìn anh, cũng hằn học và giận dữ. Cô có những giấc mơ riêng, những kế hoạch riêng, những suy nghĩ riêng; cô hiểu rõ những giấc mơ của chồng mình. Cô biết ai sẽ là người đầu tiên cố lấy tiền trúng số của mình.
"Thật sung sướng khi mơ mộng dựa vào tiền của người khác!" - ánh mắt cô thể hiện như vậy. "Không, đừng có hòng!"
Chồng cô hiểu ánh nhìn của vợ; lòng anh lại dấy lên sự thù hận, và để chọc tức vợ, anh liếc nhanh xuống trang bốn của tờ báo, đọc to lên một cách đắc thắng:
"Dãy 9499, số 46! Không phải 26!"
Cả thù hận và hy vọng đều tan biến, và ngay lập tức đối với Ivan Dmitritch và vợ anh, căn phòng của họ trở nên tối tăm, chật chội và thấp chủm; bữa tối họ vừa ăn không khiến họ no bụng mà còn nặng trĩu trong dạ dày; buổi tối thật dài và mệt mỏi…
"Chết tiệt thế này là sao?" Ivan Dmitritch nói và bắt đầu gắt gỏng. "Chỗ nào cũng thấy giấy vụn dưới chân, vụn bánh mỳ, vỏ hạt. Nhà thì chẳng bao giờ quét! Phải đi ra ngoài thôi. Quỷ tha ma bắt tôi rồi! Tôi sẽ đi và treo cổ mình lên cây dương đầu tiên trên đường!"
Đan Ngọc dịch
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét