Home » Archives for tháng 1 2025
Một nhà văn đã từng nói, khi họ cầm bút viết thì từng trang viết đã thấm tình yêu. Ở tiểu thuyết “Linh điểu” (NXB Dân trí), nhà văn Nguyễn Văn Học đã xây dựng một hệ thống nhân vật mà ở họ luôn có những day trở về tình yêu với con người, thiên nhiên và quả cảm đấu tranh cho sự sống.
1.
Nhà văn Nguyễn Văn Học luôn đau đáu, trăn trở nỗi lòng với thiên nhiên và nhiều năm qua, anh đi công tác ở những nơi có vườn cò, vườn chim và thấm thía cảnh chim trời bị tàn sát, săn bẫy để làm mồi nhậu. Anh chia sẻ: “Từ những chuyến đi giúp bản thân tôi hình thành một niềm hào hứng, thậm chí say mê róng riết viết về thiên nhiên, chim chóc, sông suối, con người ở trong môi sinh ấy”.
Có lẽ từ những trải nghiệm, từ tình yêu với thiên nhiên, Nguyễn Văn Học đã cho ra đời một loạt các tác phẩm về đề tài sinh thái như “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé” (NXB Văn hóa -Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2018), “Nhạc cây” (NXB Hà Nội, 2019)… Và ngay đầu quý I năm 2020, tiểu thuyết “Linh điểu” ra đời chứng minh sự thành công của nhà văn khi viết về vấn đề môi sinh.
Trong diễn biến của câu truyện trong tiểu thuyết “Linh điểu” tình yêu có sức lan tỏa, tuyệt diệu. Nguyễn Văn Học xây dựng hình tượng tình yêu ở nhiều khía cạnh khác nhau, tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên, gia đình và cả lòng nhân ái. “Ánh sáng tình yêu luôn là một giá trị vĩnh hằng giúp con người có thể vượt qua khổ đau” (trang 251).
Bạn đọc dễ dàng nhận thấy, thông điệp về tình yêu được thể hiện rõ qua cách xây dựng từng nhân vật trong tiểu thuyết. Nhân vật chính Diệp Vân, một cô gái đầy bất hạnh, một đứa con bị bỏ rơi được gia đình cô giáo Diệp Chi cưu mang, cô có hai vết sẹo lớn và bước vào thời thiếu nữ đã mọc thành cánh. Cô bị kỳ thị, xua đuổi, bị xa lánh, phải sống khác người. Bằng bút pháp huyền ảo, tác giả đã xây dựng nhân vật Diệp Vân thành người có khả năng khác thường. Cô có sự giao cảm đặc biệt với chim muông: Vào một đêm mưa to, bão lớn cô đã nghe thấy tiếng đập cửa, cứu được một con cu gáy bị mất đi một bên chân. Cô đau đớn, nhức buốt trước nỗi đau của loài chim khi chúng bị con người săn bắn, hủy diệt. Cô đặc biệt nhạy cảm với loài chim. Có thể nghe tiếng chúng khi ở xa, thấy nhức ở cánh khi chim trời bị tận diệt ngày càng nhiều. Diệp Vân mua lại những chú chim bị bắt bán ngoài chợ rồi thả chúng bay tung cánh tự do với bầu trời. Cô thường xuyên rơi vào mê man, bởi vết sẹo rất nhạy cảm với nỗi đau của loài chim, nên thường thấy hình ảnh chim cò mỏi mệt, gầy nhẳng.
Có lẽ, Diệp Vân là điển hình của những cô gái với trái tim nhân hậu. Cô sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì thiên nhiên, chim chóc. Tình yêu thiên nhiên của cô có sức lan tỏa mãnh liệt cứu rỗi được một con người tham lam, ích kỷ, một kẻ luôn săn bắt chim muông làm mồi nhậu như Hùng. Cô đã cảm hóa Hùng để anh ta nhận ra những giá trị của cuộc sống. Vân đã truyền sang anh ta sự biết ơn với bầu trời, với diệp lục. Từ đó nảy nở tình yêu lứa đôi giữa họ mà khởi nguồn là tình yêu với thiên nhiên. “Tình người có sức mạnh tẩy sạch những ái ố trong lòng kẻ tội đồ” (trang 265).
2.
Trong tiểu thuyết bà ngoại của Diệp Vân là cụ Thi, cô giáo cũng là mẹ nuôi của Diệp Vân là Diệp Chi, hay cô em gái Diệp Sương, cậu An, các thành viên của CLB Bảo vệ động vật hoang dã… đều có tình yêu thiên nhiên. Và tình yêu ấy được lan truyền từ người này sang người khác. Cụ Thi cả đời là mẹ cò vạc, chở che, bảo vệ, thậm chí đã bỏ mạng vì chống lại những họng súng ích kỷ của bọn “cò tặc”. Mất “cò mẹ” - cụ Thi, bầy cò có cách đưa tang rất đẹp và buồn: “Cánh chim dẻo như sợi khăn tang trắng mỏng manh, cả đàn kết thành những chùm hoa trắng, lơ lửng và dịu dàng trên góc trời thực hiện một nghi lễ” (trang 34). Điều đó cho thấy, chim cò cũng giống như con người, có tình yêu và lòng biết ơn.
Nhân vật Diệp Chi cũng là điển hình của mẫu người giàu lòng nhân hậu, có lòng bao dung đáng ngưỡng mộ, xuất phát từ tình yêu, lòng thương người. Diệp Chi đã nhận nuôi Diệp Vân, một đứa trẻ bị bỏ rơi, coi như con ruột. Khi mẹ đẻ Diệp Vân quay lại bằng sự thấu hiểu, Diệp Chi đã tha thứ cho Ngải, cho nhận con và qua lại chăm sóc. Diệp Chi bỏ qua cho chồng lỗi lầm của một kẻ phản bội làm bà đau khổ, bỏ qua sự hận thù nhỏ nhen cho tình nhân của chồng cũng chính là em cô để về chung sống hòa thuận trong một gia đình.
Tình yêu giúp con người và thiên nhiên trở nên gắn kết, hòa vào làm một tạo nên bức tranh nhân ái. Từ tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông con người biết yêu cuộc sống. Nhưng tình yêu cũng có sự day dứt, đớn đau trong từng thớ bất hạnh, thể hiện rõ qua cái chết của Diệp Vân. Diệp Vân đã phải trả giá cho tình yêu của mình với thiên nhiên. Cái chết của Diệp Vân nhuốm màu kỳ ảo khi cô nỗ lực cứu Đồi Cò trong trận hỏa hoạn. Cô bị nuốt trong đám lửa nhưng không tìm thấy xác, chỉ thấy xác của những chú chim và nhiều ngày sau đó họ nghe thấy tiếng chim từ xa vọng lại, da diết. Phải chăng Diệp Vân đã đi cùng các thiên sứ “về trời”? Cái chết có phần bi thương nhưng gieo vào lòng bạn đọc niềm tin về sự hóa kiếp của con người, đồng thời thấy được khát khao, tình yêu được hòa làm một với mẹ Thiên nhiên của chính những con người đang tàn phá thiên nhiên.
Qua nhân vật Diệp Vân, con người sẽ nhận ra cần phải ứng xử như thế nào với trái đất. Bởi chính con người bởi cái đói, sự ích kỷ, thói tham lam mà tàn phá thiên nhiên và cũng chính họ đang tước đi quyền được hưởng thụ thiên nhiên của mình. Hậu quả của thuốc trừ sâu, của các điểm công nghiệp, các làng nghề tái chế ảnh hưởng đến nguồn nước, đất đai tác động tới thiên nhiên và con người: các sinh vật mất môi trường sống, sinh ra những đứa trẻ không lành lặn, bệnh tật đeo bám người dân. Cái chết của Diệp Vân tượng trưng cho loài linh điểu từ bỏ con người bởi sự tàn sát, ích kỷ. “Khi ký ức dắt tay nhau bỏ đi, con người khó cưỡng, dù con người sáng tạo ra đủ thứ tinh vi” (trang 222).
3.
Tiểu thuyết “Linh điểu”với bút pháp huyền ảo, giọng văn mềm mại nhẹ nhàng, khi thì gấp gáp, hồi hộp, từ ngữ bay bổng giàu chất thơ. Điều đáng nói, theo diễn biến câu chuyện, tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và ngược lại, có tính lan truyền. Người này có thể cải hóa người kia bằng thái độ sống nhân hậu. Nguyễn Văn Học đã thành công khi xây dựng nhân vật Diệp Vân, là người nhạy cảm tuyệt vời, yêu thiên nhiên và con người, đã cố hóa giải mâu thuẫn giữa con người với thiên nhiên, để chứng tỏ một điều, con người không thể tách rời Mẹ thiên nhiên.
T.T.M
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)